Nhiều mẹ lo lắng vì mắc phải hội chứng ruột kích thích khi mang thai, và thắc mắc liệu hội chứng này có nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé? Nghe tên nghiêm trọng thế thôi nhưng hội chứng này sẽ không ảnh hưởng gì đến thai nhi nếu mẹ biết cách kiểm soát tốt căn bệnh này.
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Thomson W.D. (1990) đã định nghĩa: “Các rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột gọi là HCRKT (irritable bowel sydrome – IBS)”.
Hiện nay, nhờ các thăm dò hiện đại về hình thái và chức năng của ruột trên thực nghiệm và lâm sàng đã dần làm sáng tỏ cơ chế điều chỉnh ống tiêu hóa chủ yếu là sự tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh trung ương với hệ thống thần kinh ruột ( trục não-ruột) – hệ thống mạng lưới thần kinh (plexuces) hoạt động cùng với nhau để thực hiện nhịp nhàng chức năng bình thường của ruột.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) có biểu hiện rất khác nhau tùy theo mỗi người và không có cách nào để tiên đoán mức độ ảnh hưởng của hội chứng này tới phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, các mẹ có thể yên tâm rằng hội chứng ruột kích thích khi mang thai sẽ không gây ảnh hưởng gì đến thai nhi và mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh bằng những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả.
Hội chứng ruột kích thích khi mang thai có những triệu chứng nào?
Ruột là bộ phận gần như luôn bị ảnh hưởng khi mang thai, điều đó khiến việc xác định ảnh hưởng của việc mang thai lên hội chứng này (và ngược lại) trở nên rất khó khăn.
Ở một số phụ nữ, các triệu chứng của hội chứng ruột bị kích thích hoàn toàn biến mất khi mang thai, nhưng một số khác thì tình trạng này lại trở nên tệ hơn.
Khi mang thai, các mẹ thường dễ bị táo bón (một triệu chứng của hội chứng này), hoặc cũng có một số mẹ đi phân lỏng hơn bình thường (cũng là một triệu chứng của hội chứng ruột kích thích).
Bên cạnh đó, tình trạng chướng bụng và đầy hơi thường trở nên tệ hơn khi các mẹ mang thai dù mẹ có bị ruột kích thích hay không. Việc điều trị hội chứng ruột kích thích ở các bà mẹ mang thai có thể trở nên khó khăn do sự thay đổi liên tục của hàm lượng hóc môn trong cơ thể.
Nhìn chung các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng ruột kích thích thường xảy ra mâu thuẫn trong thời gian mang thai. Ví dụ như ở những mẹ bị ruột kích thích thường bị táo bón thì có thể sẽ đột nhiên bị tiêu chảy và ngược lại.
Ngoài ra, một trong những triệu chứng gây khó khăn nhất trong quá trình mang thai của những mẹ bị ruột kích thích là các cơn gò cùng với triệu chứng đau bụng. Nếu điều này diễn ra thường xuyên, thì có thể các mẹ sẽ không phân biệt được mình đang đau bụng do ruột kích thích hay là sắp sinh. Vì vậy, nếu xảy ra tình trạng này, hãy liên hệ ngay với bác sĩ các mẹ nhé.
Hiện nay vẫn chưa có trường hợp nào cho thấy ruột kích thích tác động tới thai nhi hay thời gian mang thai. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng ruột kích thích thường gây khó khăn cho các mẹ đang mang thai hơn là em bé trong bụng.
Cách kiểm soát hội chứng ruột kích thích khi mang thai
Bị ruột kích thích có thể làm tăng một phần nhỏ nguy cơ bị sinh non, đồng thời, hội chứng ruột kích thích này cũng đặt mẹ vào tình thế phải sinh mổ lớn hơn so với những mẹ khác.
Vì vậy để kiểm soát các triệu chứng, các mẹ mắc hội chứng ruột kích thích khi mang thai có thể tham khảo những lời khuyên này, rất hiệu quả đấy ạ:
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không chỉ để ngăn ngừa, giảm nhẹ hội chứng ruột kích thích, đây là lời khuyên hữu ích trong suốt thời kỳ mang thai
- Uống đủ nước
- Ăn nhiều chất xơ (như trái cây, rau củ và ngũ cốc) để cải thiện hệ tiêu hóa
- Tránh thức ăn cay
- Tránh các loại thức ăn và nước uống nào làm các triệu chứng trở nên tệ hơn. Ví dụ như các loại đậu, bắp cải, súp lơ, đậu lăng, bông cải… có thể làm các mẹ cảm thấy chướng bụng đấy)
Ngoài ra, các mẹ có thể bổ sung thêm một số loại probiotic (có trong sữa chua chứa các vi sinh vật sống, hay trong dạng bột hay dạng viên nhộng). Mẹ sẽ ngạc nhiên về hiệu quả của chúng trong việc điều chỉnh chức năng của ruột, đồng thời đây cũng được xem là thực phẩm an toàn trong thời gian mang thai.
Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào đáng quan tâm trong thời gian mang thai và trước khi dùng bất cứ thuốc hay hợp chất bổ sung nào mẹ bầu nhé
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 525-526.
- Pregnancy and Irritable Bowel Syndrome. Tham khảo tại: <http://www.aboutibs.org/site/living-with-ibs/pregnancy>. [Ngày 26 tháng 03 năm 2015]
- Irritable Bowel Syndrome (IBS) during pregnancy. Tham khảo tại: <http://www.babymed.com/medical-issues/irritable-bowel-syndrome-ibs-during-pregnancy>. [Ngày 26 tháng 03 năm 2015]