Khi bé bị đau mắt đỏ, điều quan trọng là mẹ phải biết tìm ra nguyên nhân gây đau mắt đỏ để sớm có cách điều trị dứt điểm và phù hợp.
Bệnh đau mắt đỏ (Conjunctivitis) còn được gọi là viêm kết mạc là khi kết mạc của bé bị viêm (kết mạc là lớp mô mỏng, trong suốt, lót bên trong mí và toàn bộ tròng trắng mắt). Tình trạng này làm cho các mạch máu ở mắt nổi rõ và làm mắt có màu hồng hoặc hơi đỏ.
Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân làm bé bị bệnh đau mắt đỏ như dị ứng, vi khuẩn hay vi rút. Việc nhận biết cũng rất khó khăn vì hầu như lúc nào triệu chứng của đau mắt đỏ cũng là đỏ và sưng kết mạc. Tuy nhiên nếu để ý, mẹ có thể nhận thấy giữa chúng có đôi chút khác biệt đấy.
Đau mắt đỏ do vi rút. Nếu bé bị đau mắt đỏ kèm theo các triệu chứng của cảm lạnh thì rất có khả năng bé đang bị đau mắt đỏ do vi rút đấy. Đau mắt đỏ do vi rút thường chỉ ảnh hưởng một bên mắt. Mắt bé sẽ có các triệu chứng như đỏ, cảm giác như có cát trong mắt, tiết nhiều dịch. Tuy nhiên, các triệu chứng không quá nghiêm trọng và thường có thể tự khỏi.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn. Một số loại vi khuẩn như Staphylococcus, streptococcus, hemophilus có khả năng gây ra đau mắt đỏ ở các bé. Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường bắt đầu ở một mắt nhưng sau đó có thể lây sang mắt còn lại.
Mắt bé sẽ có một số dấu hiệu như đỏ, xốn như có cát trong mắt; tiết dịch trong suốt hoặc màu xanh lá cây hay màu vàng (như mủ), khi ngủ những dịch này có thể đóng thành lớp vảy cứng và làm cho mí mắt dính lại với nhau.
Đau mắt đỏ do dị ứng. Bệnh đau mắt đỏ do dị ứng có thể gây đỏ mắt, ngứa và chảy nước mắt. Tình trạng này cũng thường đi kèm với một số triệu chứng khác như ngứa mũi và hắt hơi. Đau mắt đỏ do dị ứng xảy ra do bụi, phấn hoa, hay khói thuốc lá.
Ngoài ra, khi bé gặp phải một chấn thương nào đó ở mắt hoặc vật lạ rơi vào mắt cũng có thể làm mắt bé bị kích ứng, mẩn đỏ và chảy nước mắt. Nếu bé bị hóa chất văng vào mắt sẽ gây đau dữ dội và chảy nước mắt.
Điều trị bệnh đau mắt đỏ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em, vì vậy muốn điều trị dứt điểm, điều đầu tiên mẹ phải làm là tìm ra nguyên nhân gây đau mắt đỏ:
Bé bị đau mắt đỏ do vi rút. Nếu bé bị đau mắt đỏ do vi rút thì việc mẹ cho bé uống thuốc kháng sinh sẽ không hiệu quả đâu. Mắt bé sẽ tự khỏi trong chừng khoảng 1 tuần mà không cần phải điều trị gì cả. Thay vào đó, mẹ có thể rửa sạch mắt bé với nước ấm và rửa đi những gỉ mắt khô.
Để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn, mẹ có thể nhúng một miếng vải sạch vào nước ấm sau đó áp vào một mắt của bé trong khi bé đang nghe nhạc hoặc lúc mẹ đang kể chuyện cho bé. Nếu tình trạng của bé vẫn không cải thiện trong khoảng 2 tuần, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra lại nhé!
Bé bị đau mắt đỏ do vi khuẩn. Nếu tình trạng đau mắt đỏ của bé là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê cho bé thuốc kháng sinh dạng mỡ hay dạng nhỏ, bé cần phải điều trị trong khoảng 7 ngày.
Nếu dùng thuốc mỡ, đầu tiên mẹ hãy rửa tay sạch sẽ, sau đó nhẹ nhàng kéo mí mắt dưới của bé xuống một chút, bôi thuốc mỡ dọc theo mí mắt. Khi bé nháy mắt thuốc mỡ sẽ tự động đi vào trong mắt bé.
Nếu mẹ cho bé sử dụng thuốc nhỏ mắt, hãy đặt bé nằm xuống hoặc ngồi, đầu ngả ra sau, nếu mắt bé đang nhắm mẹ hãy cố nhỏ vào khóe mắt trong của bé, khi bé mở mắt ra, thuốc nhỏ mắt sẽ tự động đi vào mắt bé.
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý không cho bé dùng chung hay dùng lại thuốc nhỏ mắt/ thuốc mỡ của người khác vì những thuốc này có thể làm cho sự nhiễm trùng nặng hơn.
Ngoài ra, một điều hết sức quan trọng mà mẹ cần lưu ý đó là ngay cả khi bé có những dấu hiệu cải thiện thì mẹ vẫn phải cho bé sử dụng đúng liều thuốc kháng sinh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, nếu mẹ chủ quan việc này, ngưng thuốc quá sớm thì bé có thể bị đau mắt đỏ lại đấy.
Các dịch bị nhiễm trùng (infected fluid) tích tụ ngày càng nhiều ở mắt có thể làm giảm đi tính hiệu quả của thuốc kháng sinh, vì vậy mẹ nên rửa sạch mắt bé với nước ấm và nhẹ nhàng lau sạch những rỉ mắt khô dính trên mắt của bé. Để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn, mẹ có thể nhúng một miếng vải sạch vào nước ấm sau đó áp vào mắt của bé.
Bé bị đau mắt đỏ do dị ứng. Nếu trẻ bị đau mắt đỏ do dị ứng, điều đầu tiên mà mẹ cần làm là tìm ra chất làm bé bị dị ứng và đưa bé tránh xa chất gây dị ứng ngay lập tức. Nếu bé có cảm giác khó chịu, bác sĩ có thể cho bé nhỏ thuốc đau mắt đỏ do dị ứng (một số thuốc chỉ cần dùng trong một vài ngày là mắt bé đã đỡ hơn rồi). Nếu bé có các triệu chứng dị ứng khác, bác sĩ có thể sẽ kê cho bé thuốc kháng histamine hoặc một số thuốc dị ứng khác.
Để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn và giảm đau mắt do dị ứng, mẹ có thể dùng một miếng gạc lạnh để áp lên vùng mắt của bé.
Cách phòng tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ do vi rút hay do vi khuẩn đều rất dễ lây lan, đặc biệt là khi các bé còn nhỏ chưa ý thức được việc bảo vệ bản thân.
Tốt hơn hết, mẹ hãy rửa tay thật sạch trước và sau khi vệ sinh mắt cho bé. Giặt khăn tắm, áo quần, chăn ga giường của bé thường xuyên, đồng thời không để chung đồ của bé với những người khác.
- Pink Eye: Usually Mild and Easy to Treat. Đọc thêm tại: <www.cdc.gov/Features/Conjunctivitis/>. [Ngày 14 tháng 03 năm 2015]
- AboutConjunctivitis (Pink Eye). Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/index.html>. [Ngày 14 tháng 3 năm 2015]
- Conjunctivitis. Đọc thêm tại: <http://www.kidshealth.org.nz/conjunctivitis > [Ngày 14 tháng 03 năm 2015].
- Pinkeye (conjunctivitis) in children. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/0_pinkeye-conjunctivitis-in-children_11283.bc>. [Ngày 09 tháng 09 năm 2015].