Mẹ bầu nào đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu nên tìm hiểu về cách điều trị và ngăn chặn cũng như trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.
Điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Hãy nói với bác sĩ nếu mẹ bầu từng chẩn đoán mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc từng xuất hiện các cục máu đông trong lần mang thai trước đó. Ngoài ra, trong khi mang thai nếu nhận thấy sưng và đau ở một chân, mẹ hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Siêu âm hoặc MRI có thể được sử dụng để chẩn đoán các cục máu đông. Nếu kết quả cho thấy mẹ có cục máu đông nào thì có thể được điều trị bằng thuốc heparin (thuốc chống đông máu) để làm loãng máu và ngăn ngừa đông máu tiếp tục.
Thuốc không thể phá vỡ được những cục máu đã đông mà chính cơ thể chúng ta sẽ làm phần việc này trong thời gian mẹ dùng thuốc. Gần đến khi chuyển dạ, các thuốc heparin cần phải được ngưng sử dụng để ngăn chặn tình trạng chảy máu quá mức trong khi sinh con.
Tình trạng đông máu sẽ được theo dõi trong suốt quá trình điều trị cho mẹ bầu, cả trước và sau khi sinh con.
Với trường hợp cục máu đông làm thuyên tắc phổi, thuốc làm tan huyết khối có thể được sử dụng cho mẹ bầu cùng với việc điều trị cho những tác dụng phụ đi kèm của thuốc. Giải pháp phẫu thuật rất hiếm khi được chọn thực hiện.
Ngăn chặn huyết khối tĩnh mạch sâu bằng cách nào?
Trong trường hợp đang nằm viện phẫu thuật, người bệnh sẽ được cung cấp chất làm loãng máu. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc aspirin hoặc các thuốc khác giúp ngăn đông máu trong một thời gian sau khi phẫu thuật. Mẹ bầu cũng cần tập thể dục thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ và tránh ngồi yên. Nếu mẹ bầu đã phẫu thuật gì hoặc đã được nghỉ ngơi trên giường vì những lý do khác, hãy cố gắng di chuyển nhẹ nhàng càng sớm càng tốt.
Nếu phải ngồi trong một thời gian dài, hãy cố gắng không để chéo chân vì điều này có thể hạn chế lượng máu lưu thông trong cơ thể. Trong khi đang đi du lịch xa bằng xe hơi, mẹ bầu hãy yêu cầu dừng xe mỗi giờ và đi bộ xung quanh nếu có thể.
Ngồi máy bay lâu cũng khiến chân bị sưng phù và nghẽn các cục máu đông. Vậy nên. nếu đang ở trên một chiếc máy bay và không có tín hiệu cài dây an toàn đưa ra, mẹ bầu hãy cố gắng đứng dậy đi bộ nhẹ nhàng, không mặc quần áo bó sát người và uống nhiều nước. Nếu không thể đi bộ, ít nhất là cố gắng cử động bàn chân bằng cách: duỗi các ngón chân chạm mặt sàn và nâng gót chân lên, sau đó hạ thấp gót chân chạm mặt sàn, co các ngón chân hướng về phía cằm và lặp lại nhiều lần. Động tác co duỗi này giúp chân và cẳng chân được thư giãn.
Hiện nay, có một tin vui với các mẹ bầu đã hay có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu là có một loại tất/ vớ bó chặt được thiết kế đặc biệt giúp nén bằng áp lực khiến cho máu ở chân không bị tích tụ và đông cục thêm. Chúng giúp giảm sưng và giúp chân được thoải mái hơn ở những chỗ có máu đông hình thành nữa.
Khi ở nhà, để giảm phù nề và giúp chân dễ chịu hơn, các mẹ bầu mang thai giai đoạn cuối có thể giữ chân cao bất cứ khi nào có thể, nhất là trong giấc ngủ dài buổi đêm.
Việc cuối cùng, nếu mẹ thay đổi lối sống như ăn uống đầy đủ các thức ăn có lợi cho cơ thể, uống đủ nước 2-3 lít/ngày cho các mẹ bầu làm việc văn phòng, giữ cơ thể ở mức cân hợp lý và không đụng đến điếu thuốc lá nào cũng rất có ích đó mẹ. Bởi vì bệnh béo phì và hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
Để biết được nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu, các mẹ tham khảo thêm các bài bên dưới nhé.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu trong khi mang thai
Chẩn đoán bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA.
- Deep Venous Thrombosis (DVT). Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/deep-vein-thrombosis/basics/definition/con-20031922>. [Ngày 22 tháng 12 năm 2014].