Việc trẻ nhút nhát liên quan nhiều đến cách dạy con của cha mẹ. Để khắc phục tính nhút nhát của con, cha mẹ nên tạo 1 môi trường cởi mở, nơi mà cha mẹ và con cái có thể chia sẻ với nhau mọi chuyện xảy ra hàng ngày.
Nguyên nhân của sự nhút nhát
Trẻ em nhút nhát là điều bình thường và tính cách này liên quan nhiều đến sự chăm sóc của cha mẹ (đặc biệt nếu cha mẹ là những người có địa vị cao trong xã hội). Một số bé ở độ tuổi 5-12 trở nên rụt rè bởi những trải nghiệm khắc nghiệt trong cuộc sống và đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng bé nhút nhát.
Bên cạnh đó, điều này có thể do một số nguyên nhân như sau:
- Gen di truyền – bé thừa hưởng gen di truyền từ gia đình và điều này quyết định một phần đến sự nhút nhát của bé.
- Tính cách – những bé nhạy cảm hoặc dễ bị đe dọa sẽ có nhiều khả năng trở nên nhút nhát.
- Bắt chước các hành vi của người lớn – các bé thường quan sát và làm theo các hành vi của cha mẹ, nếu cha mẹ là những người nhút nhát thì tính cách của bé cũng sẽ tương tự như vậy.
- Các mối quan hệ gia đình – những bé không cảm nhận được sự bảo vệ của cha mẹ hoặc trải qua sự chăm sóc không phù hợp sẽ trở nên lo lắng và bắt đầu có những hành vi rụt rè. Ngược lại, những bé được cha mẹ bảo vệ quá mức cũng có thể trở nên rụt rè và sợ sệt, đặc biệt khi phải đối mặt với các tình huống mới.
- Thiếu sự tương tác xã hội – hầu hết bé bị cô lập từ nhỏ thường nhút nhát và không có các kỹ năng giao tiếp xã hội như tương tác, bắt chuyện hay làm quen với những người lạ.
- Những lời chỉ trích, phê bình khắc nghiệt từ người thân – nếu bé bị trêu chọc hoặc bị bắt nạt bởi những người quan trọng trong cuộc sống của mình (cha mẹ, anh chị em, các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè), điều này cũng có xu hướng khiến bé trở nên nhút nhát.
- Sợ thất bại – bé đã cố gắng quá nhiều lần để đạt được mục đích, nhưng kết quả không khả quan khiến bé cảm thấy tồi tệ vì không đạt được nó. Sự thất bại nhiều lần có thể khiến bé hình thành một nỗi sợ hãi và dẫn đến sự nhút nhát.
Biểu hiện của những bé có tính nhút nhát
Đối với một số bé 5-12 tuổi, các tình huống hoặc những tương tác trong xã hội có thể làm bé sợ và cảm thấy không thoải mái mỗi lần tiếp xúc với bạn mới. Thông thường những bé này chưa sẵn sàng hoặc không có khả năng chủ động làm quen, do đó bé thích từ chối một người bạn mới hơn là phải tiếp cận với một người mà bé không quen. Mặc dù bé có thể cảm thấy buồn vì điều này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự nhút nhát có thể khiến bé không đủ khả năng để làm mọi việc. Những bé có tính cực kỳ nhút nhát thường không được hoan nghênh vì bé không có khả năng thích ứng với hầu hết mọi người trong lớp, cũng như bạn bè trên sân chơi. Tính nhút nhát này có thể ngày càng tăng dần, bé trở nên thu mình và có thể cảm thấy bất lực vì không có khả năng hoạt động hiệu quả như một người trưởng thành trong xã hội. Nghiêm trọng hơn, nhút nhát quá độ có thể khiến bé bị rối loạn lo âu, suy nhược và cảm thấy ngột ngạt, trong trường hợp này, cha mẹ nên đưa bé đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhé.
Cha mẹ cần làm gì để khắc phục tính nhút nhát của con?
Ngoài việc tạo ra một môi trường cởi mở cho con, cha mẹ có thể chia sẻ cho con các chiến lược đối phó mà bản thân đã tích lũy được trong những năm qua về việc khắc phục sự nhút nhát và thực hành các chiến lược này với con của mình. Sau đó, cha mẹ cần nói với con về những mặt tích cực nếu con không bị rụt rè nhút nhát và hãy đưa ra những ví dụ cụ thể liên quan đến cuộc sống của con.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy khuyến khích con có các hành vi giao tiếp bên ngoài bằng cách khen ngợi khi con xử lý tốt một tình huống lạ hoặc có thể giao tiếp với một người mới mà không cảm thấy rụt rè. Nhưng lưu ý, cha mẹ chỉ nên đưa ra những mục nhỏ và tăng dần theo cấp độ, đặc biệt cha mẹ cần dõi theo và khen ngợi sự tiến bộ của con. Chẳng hạn, con nói “xin chào” với một người bạn khác có thể là một bước tiến quan trọng đầu tiên cho sự phát triển của con bạn đấy.
Ngoài ra, cha mẹ hãy chủ động đưa trẻ vào những tình huống mới. Đây là mục tiêu cho những thay đổi nhỏ trong cách cư xử đầu tiên và từng bước hình thành thói quen mới giúp con mạnh dạn hơn. Chẳng hạn, cha mẹ nên khen thưởng và khích lệ khi con không nhút nhát và biết chào hỏi người bạn mới. Và hãy chắc chắn rằng con được phép nổi trội khi con cố gắng làm hết sức mình và cha mẹ cần khuyến khích, khen ngợi cho những kỹ năng mà con đã làm chủ.
Khắc phục tính nhút nhát của con – Sự giúp đỡ từ chuyên gia
Rối loạn lo âu và ngột ngạt có thể khiến bé bị suy nhược, nên nếu thấy con có biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhé.
Các chuyên gia tâm lý có thể giúp bé kiểm soát sự căng thẳng, lo lắng của bản thân; đưa ra những phương pháp giúp bé thư giãn; có các buổi tư vấn, thảo luận để đưa ra lời khuyên và đào tạo các kỹ năng giao tiếp trong xã hội cho bé.
Sau khi trải qua giai đoạn đầu của quá trình huấn luyện, bé sẽ có khả năng làm tốt trong các mối quan hệ xã hội. Mặc dù một số bé vẫn còn gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ (ngay cả khi bé đã trải qua giai đoạn huấn luyện bằng nhiều mối quan tâm và sự chăm sóc), nhưng đa số bé đều học được cách để chinh phục bản thân, chống lại sự nhút nhát. Có thể bản thân bé vẫn cảm thấy xấu hổ nhưng bé sẽ biết cách không thể hiện sự nhút nhát hoặc trầm cảm ra bên ngoài.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng dẫn cho con cách ứng xử thích hợp trước những tình huống xã hội mà con có thể học hỏi để thành công.
- Edward L. Schor, MD, FAAP, 2004, Caring for Your School-Age Child Ages 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA
- Shyness and children. Đọc thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/shyness_and_children >. [Ngày 22 tháng 1 năm 2015].