Tết Đinh Dậu sắp gõ cửa mọi nhà, đây là dịp để chúng ta được vui chơi, ăn uống, nhận lì xì may mắn,… Nhưng Tết không chỉ mang ý nghĩa như thế mà còn là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ thông qua các món ngon ngày Tết Nguyên Đán.
Bánh chưng – Món ăn ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Bánh chưng là loại bánh đặc trưng nhất trong các món ngon ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Theo như truyền thuyết, “Gạo là thức ăn nuôi sống người, gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời Đất. Lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành” thể hiện sự kết tinh của đất trời, mang đến khát vọng cho một năm mới đầy đủ và sung túc.
Để có được chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi sự tinh tế, sâu sắc, tỉ mỉ và khéo léo của người thực hiện. Sự kết hợp của vị thơm từ gạo, vị ngọt bùi của đỗ cùng với vị béo của thịt mỡ, hòa quyện cùng vị cay nhẹ của hạt tiêu sẽ mang đến những ngày Tết trọn vị.
Nguyên liệu chính để làm bánh là nếp, đậu xanh và thịt lợn, đặc trưng cho một nền kinh tế lúa nước nông nghiệp. Cách chế biến, gói, luộc bánh thể hiện tính cộng đồng cao. Trong không khí náo nức của những ngày gần Tết, các thành viên quây quần bên lò bánh có lẽ sẽ là ký ức tuyệt vời và khó quên trong lòng mỗi người.
Thông thường, chúng ta dùng lá dong tươi để gói bánh. Nên chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Gạo nếp của món bánh nên được chọn lựa kỹ từ những loại nếp ngon thượng hạng, hạt to, tròn dẻo đều, vừa thu hoạch thì mới tạo được mùi vị thơm ngon cho bánh. Đậu xanh được lựa chọn công phu phải là loại hạt tròn, lòng vàng nguyên hạt thì bánh mới ngon và đẹp mắt. Thịt heo phải chọn thịt ba rọi để bánh không quá khô mà lại có vị béo đậm đà. Gia vị có các loại hạt tiêu, hành củ dùng để ướp thịt làm nhân. Muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu.
Bánh sau khi gói sẽ mang đi luộc, thời gian luộc khoảng hơn 10 tiếng. Để bánh ngon và không bị sượn, bánh cần được luộc với lửa riu riu. Khi lấy bánh ra, các hạt gạo mềm nhừ, vị thơm bùi, béo của đỗ xanh và thịt hòa quyện vào nhau, trở thành hương vị độc đáo mang một triết lý sống đoàn kết, đồng lòng của dân tộc ta.
Dưa món – Món ngon ngày Tết Nguyên Đán
Món ăn ngày Tết điển hình tiếp theo là Dưa món. Đây là món ăn được ca dao dân tộc nhắc đến mỗi khi Tết về “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Mỗi vùng miền có nét đặc trưng riêng, nguyên liệu có thể khác nhau nhưng dù ở miền Nam, Trung hay Bắc thì dưa món vẫn giữ được hương vị chua, giòn đặc trưng của nó.
Miền Bắc có món dưa hành khá nổi tiếng, là một trong ba món ẩm thực không thể thiếu ngoài thịt mỡ và bánh chưng xanh. Nguyên liệu chính là hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi, chỉ chừa lại rễ. Sau đó, ngâm hành vào nước tro có pha hàn the trong 2 ngày 2 đêm để chắc củ và cho hành bớt hăng. Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ, chỉ còn lại khoảng 5cm rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành, từng lớp như thế, cuối cùng gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, có thể lấy hành ra rửa bằng nước ấm rồi cho vào lọ thủy tinh, cho nước dấm đường nấu sôi, để nguội vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.
Nếu ở miền Nam thì có món dưa giá, cải chua và củ kiệu. Làm món dưa giá rất đơn giản, chỉ cần lựa giá cọng trắng, thon, dài, cà rốt thái sợi, hành hẹ cắt khúc tất cả trộn đều đem ngâm với nước ấm pha chút muối, đến ngày hôm sau là đã có món dưa chua ăn kèm với thịt kho hay cuốn bánh tráng.
Món cải chua thì công phu hơn, củ cải mua về cắt khúc vừa bằng nửa ngón tay phơi nắng cho héo, sau đó xếp vào keo, cho hỗn hợp nước mắm đường theo tỷ lệ 2 mắm:1 đường và một chút phèn chua để cải giòn. Để vài ngày cho cải thấm gia vị là ăn được.
Món củ kiệu là cầu kỳ nhất, kiệu phải ngâm trong nước tro một đêm cho bớt mùi hăng, sau đó lột vỏ, cắt rễ, phơi nắng cho héo, xếp kiệu vào lọ cho giấm nấu tan với đường vào. Món kiệu chua này đặc biệt tốt cho tiêu hóa, kích thích vị giác giúp ăn ngon miệng hơn.
Món ngon ngày Tết cổ truyền với thịt đông
Thịt đông là món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Bắc. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ.
Nguyên liệu chính có thể là thịt heo nạc chân giò, mọc, thịt gà đi kèm với nấm mèo, nấm đông cô, nấm rơm,cà rốt, củ cải, hành tây… Tùy ý thích người nấu, nhưng nguyên liệu không thể thiếu cho món thịt đông là da heo. Để món đông ngon và không quá béo thì nên lạng sạch lớp mỡ nằm dưới da heo. Món đông mềm hay cứng là tùy thuộc vào lượng da heo nhiều hay ít.
Trong quá trình ninh thịt phải canh lửa và vớt bọt để nước được trong dù là thịt gà hay thịt heo. Nguyên tắc nêm nếm thịt đông là nêm lạt, chút muối, chút đường, tí tiêu là đủ tạo vị ngọt thanh của nước dùng. Thịt đông ăn với dưa cải chua cùng cơm nóng bên chén nước mắm cay hít hà đủ làm ấm lòng cho những ngày xuân giá rét, thật đúng nghĩa Tết Bắc.
Những món ăn đặc trưng của Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Đọc thêm tại: <http://phunutoday.vn/lam-me/nhung-mon-an-dac-trung-cua-viet-nam-trong-dip-tet-nguyen-dan-65142.html>. [Ngày 25 tháng 12 năm 2015]