Các bậc phụ huynh thường nghĩ khi bé trở thành học sinh tiểu học, bé sẽ rất vui và hào hứng. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp, bé không chịu đi học và cứ khóc lóc, van nài để xin được ở nhà. Bé nhà bạn có nằm trong những trường hợp này không? Cùng mekhonghoanhao tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Khi đến tuổi đi học, các bé sẽ thường xuyên có khoảng thời gian xa gia đình đáng kể. Thời điểm này đem lại nhiều trải nghiệm mới và nhiều thử thách bản thân cho bé. Hầu hết thời gian của bé là ở trường học, nơi mà nhiều áp lực trong lớp học lẫn các mối quan hệ bạn bè có thể trở nên khá căng thẳng đối với bé.
Trong khi một số bé đón nhận sự thay đổi này bằng sự hứng thú một cách tự nhiên, thì những bé khác lại có xu hướng thích sự thân thuộc khi ở nhà hơn. Đối với vài bé, chỉ đơn thuần việc bé đi học, xa nhà và xa cha mẹ, đã gây ra mối lo âu lớn. Với những bé này, nhất là khi đối mặt với những tình huống làm các bé sợ hoặc nghĩ rằng mình không đối phó được, bé sẽ cố tìm cách tránh né việc đến trường.
Bé không chịu đi học
Bé không chịu đi học là khi một đứa bé cảm thấy cực kỳ khó chịu khi nghĩ tới việc đến trường, hoặc bé thường xuyên nghỉ học một vài ngày hoặc tất cả các ngày, và sự đau khổ, căng thẳng này cứ kéo dài không biến mất.
Việc bé không chịu đi học có thể xảy ra từ từ, khi cha mẹ bắt đầu cảm thấy càng ngày càng khó để đưa bé đi học. Hoặc việc này có thể xảy ra đột ngột, như vào thời điểm bắt đầu học kỳ hoặc sau khi bé vừa khỏi bệnh.
Biểu hiện của việc sợ tới trường của bé
Việc các bé không chịu đi học thường không phổ biến và chỉ chiếm khoảng 5% trẻ em. Những bé này có thể hoàn toàn từ chối không chịu tới trường hoặc viện lý do để không phải tới trường. Bé có thể:
- Thường xuyên bỏ học
- Than phiền rằng cảm thấy không khỏe, với các triệu chứng không rõ lý do, mà nếu để bé ở nhà, bé sẽ khỏe hơn.
- Khóc lóc
- Nổi cơn thịnh nộ
- Trốn dưới chăn
- Từ chối việc đi học
- Van nài hoặc cầu xin không đi học
- Thể hiện nhiều lo lắng
- Đe dọa làm hại bản thân.
Việc bé đi học là một sự kiện đặc biệt, vì khi đó bé có thể tương tác nhiều hơn với thế giới bên ngoài gia đình, được làm quen với các bạn, thầy cô mới, có khoảng thời gian tách ra khỏi gia đình để độc lập hơn. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng vui và hào hứng với việc này đâu mẹ nhé. Sẽ có những bé sợ đến trường với các biểu hiện đã nêu ở trên đấy.
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for Your School-Age Child – Ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 279 – 282.
- School refusal: children 5-8 years. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/school_refusal.html>. [Ngày 14 tháng 9 năm 2015].
- School Refusal.Đọc thêm tại: <http://www.adaa.org/living-with-anxiety/children/school-refusal>. [Ngày 18 tháng 9 năm 2015].
- School Refusal. Đọc thêm tại: <http://www.emedicinehealth.com/school_refusal/page2_em.htm#school_refusal_causes>. [Ngày 18 tháng 9 năm 2015].