Khi bạn đã thuê được một người giữ trẻ tại nhà, hãy cung cấp một số thông tin cần thiết, như: thói quen, các vấn đề đặc biệt của trẻ và các số điện thoại khẩn cấp để liên hệ khi cần thiết.
Cung cấp một số thông tin cần thiết cho người giữ trẻ
Trước khi người giữ trẻ tại nhà bắt đầu đảm nhận công việc, bạn hãy chuẩn bị sẵn một số thông tin cần thiết sau đây:
- Những thói quen bình thường của trẻ (làm bài tập về nhà, giờ đi ngủ, giờ ăn) và những luật lệ chung của gia đình (giới hạn thời gian xem TV, sử dụng máy tính, chơi điện tử, đi ra ngoài chơi…).
- Chỉ cho người giữ trẻ biết nơi thoát hiểm, máy báo cháy, bình chữa cháy ở đâu, cách dùng như thế nào.
- Chỉ cho người giữ trẻ biết nơi bạn đặt các chìa khóa, phòng trường hợp trẻ nhốt mình trong phòng.
- Cho họ biết về những vấn đề đặc biệt của trẻ, như dị ứng với loại thức ăn nào, dụng cụ nào và dùng thuốc trong trường hợp nào (có thể giải thích và viết ra giấy).
- Cung cấp một danh sách các số điện thoại khẩn cấp, bao gồm số điện thoại của bạn, của hàng xóm thân thuộc, họ hàng và bác sĩ gia đình. Những số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp của địa phương cũng nên để gần điện thoại.
- Cha mẹ cũng cần cho trẻ các số điện thoại khẩn cấp, để nếu có chuyện gì xảy ra với người giữ trẻ tại nhà, con bạn sẽ biết phải làm gì.
Những dấu hiệu cảnh báo người giữ trẻ tại nhà ngược đãi trẻ:
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo con bạn đang bị ngược đãi:
- Người giữ trẻ nói dối hoặc ăn trộm đồ của bạn.
- Người giữ trẻ không trả lời được những việc đã làm trong ngày.
- Bạn về nhà và thấy trẻ đang ở một mình không được giám sát.
- Người giữ trẻ không đáp ứng trẻ.
- Trẻ trở nên buồn rầu hoặc thu mình hoặc gặp vấn đề trong việc ăn, ngủ.
- Trẻ đột nhiên trở nên lo âu khi bị bỏ lại một mình với người giữ trẻ.
- Bạn có cảm nhận không tốt về người giữ trẻ.
Cha mẹ nên chắc chắn người giữ trẻ có đủ những sự hỗ trợ cần thiết để trở thành một người giữ trẻ theo hướng tích cực, bao gồm có thời gian nghỉ phép và cơ hội để gặp gỡ những người giữ trẻ khác trong khu vực sống. Cha mẹ nên luôn luôn mở điện thoại để trả lời những cuộc gọi khẩn. Nói cách khác, hãy cùng với người giữ trẻ tạo mối quan hệ tốt cho việc chăm sóc trẻ nhé.
Giao con cho người giữ trẻ không có nghĩa là cha mẹ bỏ bê hẳn con cái của mình. Sau một ngày làm việc, bạn về nhà và gặp lại con, hãy dành thời gian cho con, trò chuyện cùng con. Việc này vừa giúp bạn biết được người giữ trẻ tại nhà và trẻ đã tương tác với nhau như thế nào trong ngày, vừa giúp gắn kết tình cảm gia đình. Nếu mọi thứ vẫn tốt đẹp, đó là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu trẻ không vui và không phát triển khỏe mạnh khi được chăm sóc như vậy, thì bạn nên xem xét lại người giữ trẻ và thay đổi nếu cần.
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for your school-age child: ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 374 – 377.
- Choosing childcare. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/positive/family/child_care.html#>. [Ngày 28 tháng 9 năm 2015].
- Choosing and instructing a babysitter. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/positive/family/babysitter.html?tracking=P_RelatedArticle>. [Ngày 1 tháng 10 năm 2015].