Lòng tự trọng của trẻ là cách mà trẻ tự cảm nhận về bản thân. Nói theo cách khác thì lòng tự trọng là những suy nghĩ và cảm nhận riêng của trẻ về bản thân và năng lực bản thân để đạt được những điều mà trẻ mong muốn và điều này rất quan trọng đối với trẻ. Nhưng một số trẻ lại có lòng tự trọng thấp, nguyên nhân do đâu và làm sao để bạn sớm nhận biết?
Lòng tự trọng của trẻ thấp do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đứa con nhỏ của bạn có lòng tự trọng thấp, đó có thể là:
- Trẻ có tuổi thơ bất hạnh với cha mẹ (hoặc những người quan trọng khác như giáo viên,…).
- Kết quả học tập kém ở trường.
- Liên tục xảy ra các sự kiện khiến cuộc sống của trẻ trở nên căng thẳng (thất bại trong các mối quan hệ hoặc khó khăn về tài chính).
- Cách cư xử kém từ bạn bè, cha mẹ hoặc người chăm sóc (chẳng hạn như trẻ bị lạm dụng, bị bắt nạt).
- Trẻ gặp phải vấn đề y tế như đau mãn tính, ốm nặng hoặc khuyết tật về thể chất.
- Mắc rối loạn tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm…).
Trầm cảm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ có lòng tự trọng thấp
Làm sao biết được con mình có lòng tự trọng thấp?
Dưới đây là một số dấu hiệu mà cha mẹ có thể xem xét nếu nghi ngờ con mình có lòng tự trọng thấp. Những dấu hiệu này có thể được biểu hiện trong các phản ứng hàng ngày với những mối quan hệ xung quanh cuộc sống của trẻ, hoặc chỉ thỉnh thoảng xảy ra trong những tình huống cụ thể. Khi những dấu hiệu này trở thành một hành vi được lặp đi lặp lại, có thể cha mẹ cần can thiệp để giúp con đấy.
- Trẻ né tránh một nhiệm vụ hoặc một thử thách mà không hề cố gắng. Điều này thường báo hiệu nỗi sợ thất bại hoặc cảm giác bất lực của trẻ.
- Trẻ từ bỏ ngay sau khi bắt đầu một trò chơi hoặc một nhiệm vụ (trẻ từ bỏ khi có dấu hiệu đầu tiên của sự thất vọng).
- Trẻ gian lận hoặc nói dối khi nghĩ rằng mình sẽ chơi kém hoặc bị thua trong trò chơi đó.
- Trẻ rút khỏi các mối quan hệ xã hội, không hoặc ít tiếp xúc với bạn bè.
Trẻ có lòng tự trọng thấp có thể rút khỏi những mối quan hệ xã hội
- Trẻ bộc lộ những dấu hiệu yếu kém, có hành vi tương tự trẻ sơ sinh hoặc rất ngớ ngẩn. Những loại hành vi này sẽ dẫn đến sự trêu chọc và chửi rủa từ những đứa trẻ khác, và nó làm trẻ tổn thương nhiều hơn.
- Trẻ trở nên kiềm chế, hống hách hoặc không linh hoạt trong việc che giấu cảm giác thất vọng hoặc bất lực của mình.
- Trẻ không thừa nhận sai lầm ở bản thân mà thường viện lý do để bào chữa (như “Giáo viên không dặn trước”) hoặc phủ nhận tầm quan trọng của sự việc nào đó (“Dù gì đi nữa, con thật sự không thích trò chơi này”), sử dụng cách hợp lý để đổ lỗi cho người khác hoặc những tác động từ bên ngoài.
- Trẻ có thành tích học tập giảm sút hoặc trẻ không quan tâm đến các hoạt động bình thường.
- Trẻ trải qua sự thay đổi tâm trạng, thể hiện nỗi buồn, khóc, cơn tức giận, sự thất vọng hoặc im lặng.
Thường xuyên buồn, khóc hay tức giận,…là những dấu hiệu của trẻ có lòng tự trọng thấp
- Trẻ đưa ra những ý kiến tự phê bình bản thân với những từ ngữ tiêu cực (ngu ngốc, béo, xấu xí, khó ưa) và tự nhận là kém hơn so với bạn bè của mình, chẳng hạn như “Con không bao giờ làm bất cứ điều gì đúng cả”, “Không ai thích con”, “Con xấu xí”, “Đó là lỗi của con” hoặc “Mọi người đều thông minh hơn con”.
- Trẻ khó chấp nhận lời khen ngợi hoặc lời phê bình.
- Trẻ quan tâm hoặc nhạy cảm quá mức về sự đánh giá của người khác về mình.
- Trẻ bị tác động mạnh bởi sự ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè, làm theo những thái độ và hành vi không tốt như coi thường trường học, trốn học, vô lễ, thử hút thuốc lá, uống rượu hoặc dùng ma túy.
- Trẻ hữu ích quá mức hoặc không bao giờ hữu ích ở nhà. Chẳng hạn như trẻ chẳng bao giờ chịu giúp mẹ trong việc dọn dẹp nhà cửa hoặc có trường hợp trẻ rất thích giúp mẹ, cái gì cũng đụng vào để giúp đỡ nhưng lại thường làm hỏng việc.
- Vì lòng tự trọng thấp nên trẻ luôn hạ thấp hoặc bỏ qua những phẩm chất tích cực của mình.
- Trẻ có các cuộc thảo luận với bản thân (đó được gọi là “tự nói chuyện”) và nó luôn mang tính tiêu cực, phê bình và khiển trách.
- Trẻ có lòng tự trọng thấp luôn nghĩ rằng may mắn đóng vai trò lớn trong tất cả thành công của bản thân và không thừa nhận công sức của mình.
Đọc thêm tại đây:
- Edward L. Schor, MD, FAAP, 2004, Caring for Your School-Age Child Ages 5 to 12, 3th edn, Bantam Books, USA
- Self esteem. Đọc thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/self_esteem?open>. [Ngày 29 tháng 1 năm 2015].