Khi một vụ bắt nạt xảy ra giữa các học sinh với nhau, dư luận thường lên tiếng bênh vực cho người bị bắt nạt và lên án gây gắt đối với người bắt nạt. Đó là lẽ thường. Nhưng đôi khi chúng ta cũng nên nhìn lại, trẻ vị thành niên bắt nạt bạn bè thì có thể trẻ cũng có những khó khăn riêng của mình.
Là phụ huynh, bạn cần biết cách để nhận biết được con có phải là người đi bắt nạt bạn bè hay không để từ đó có thể giúp đỡ con để con phát triển một cách lành mạnh.
Khi trẻ hay bắt nạt bạn bè
Làm sao biết con có phải là kẻ đi bắt nạt người khác?
Một số dấu hiệu cảnh báo sau đây có thể có ở một trẻ hay đi bắt nạt các bạn khác:
- Thường xuyên hung bạo với người khác.
- Tham gia vào các cuộc đánh nhau hoặc dùng lời nói xúc phạm người khác.
- Được gửi đến phòng giám thị hoặc bị giữ lại, bị phạt nhiều lần ở trường.
- Có nhiều tiền hoặc đồ dùng cá nhân mới mà không thể giải thích được.
- Hay đổ lỗi cho người khác.
- Không nhận trách nhiệm về hành vi do mình gây ra.
- Có bạn là người hay đi bắt nạt người khác.
- Luôn muốn giành chiến thắng hoặc đứng nhất ở tất cả mọi thứ.
Vì sao trẻ lại là kẻ bắt nạt người khác?
Trong các báo cáo về nạn bắt nạt ở lứa tuổi vị thành niên, những trẻ có hành vi quấy rối, gây hấn đối với trẻ khác, thường vì một số lý do sau:
- Ghen ghét, ganh tị với nạn nhân
- Muốn làm mình nổi tiếng hơn
- Để cảm thấy mình có sức mạnh hơn
- Bắt chước các hành vi từ cha mẹ, người thân hoặc từ phim ảnh, trò chơi bạo lực
- Trẻ có một số vấn đề ở nhà như bị bỏ mặc, không được cha mẹ quan tâm, thiếu sự yêu thương của gia đình, cha mẹ xung đột với nhau, trẻ bị lạm dụng cơ thể, tình cảm hoặc tình dục…
Trẻ bắt nạt người khác có thể do trẻ bị bỏ mặc hay cha mẹ xung đột với nhau…
- Tính cách: hay gây hấn, bốc đồng, muốn thống trị người khác, thiếu sự thấu cảm và các kỹ năng xã hội.
- Căng thẳng: trẻ có thể gặp căng thẳng do áp lực học tập hoặc có thành tích kém ở trường, bị người khác bắt nạt… Bằng cách gây hấn với những người khác, trẻ sẽ có cảm giác điều khiển được cuộc sống của mình.
Khi con hay bắt nạt người khác, bạn có thể giúp con như thế nào?
- Tìm hiểu về cuộc sống và các mối quan hệ của con mình. Nếu hành vi ở nhà của bạn không ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ thì có thể là do bạn bè của trẻ cổ vũ hành vi bạo lực, hay con đang có khó khăn với việc hòa nhập hoặc phát triển mối quan hệ với những trẻ khác. Hãy trò chuyện với con, càng hiểu về cuộc sống của trẻ, bạn sẽ càng dễ xác định nguồn gốc vấn đề hơn.
Bạn bè của trẻ cổ vũ hành vi bạo lực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ
- Giáo dục con về sự bắt nạt. Con bạn có thể không hiểu rõ được tác hại, sức tổn thương và hệ quả pháp lý do hành vi của mình gây ra. Bạn có thể gợi mở sự đồng cảm và nhận thức của con bằng cách khuyến khích con cảm nhận lại vấn đề dưới góc nhìn là nạn nhân.
- Giúp con giảm căng thẳng. Cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ bắt nạt có thể có những căng thẳng riêng không thể nói ra, và đôi khi, trẻ xem hành vi bắt nạt là một cách thức nhằm làm giảm căng thẳng, tuy nhiên, đây là biện pháp tiêu cực và không phù hợp. Những căng thẳng, lo lắng của bạn cũng có thể làm cho không khí gia đình trở nên nặng nề. Tập thể dục, chăm sóc cây cảnh, chơi với vật nuôi, đi công viên… là những cách tuyệt vời để làm giảm căng thẳng cho cả trẻ và người lớn.
- Đặt giới hạn cho việc tiếp xúc công nghệ. Con bạn có thể sẽ được tham gia thảo luận về việc cha mẹ sẽ giám sát việc sử dụng máy tính, email, tin nhắn điện thoại và hạn chế thời gian chơi game, xem tivi của trẻ.
- Thiết lập các nguyên tắc phù hợp, thống nhất về hành vi và hình phạt đi kèm nếu con mình vi phạm.
Đọc thêm tại đây:
- 5 reasons teens become bullies. Đọc thêm tại: <http://www.crchealth.com/youth-programs/5-reasons-teens-become-bullies/>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Bullying in adolescence. Đọc thêm tại: <http://www.csus.edu/indiv/b/brocks/Courses/EDS%20245/Hot%20Sheets/Bullying%20in%20Adolescence.fall%2007.pdf>.[Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Bullying in Schools: Seven Solutions for Parents from Kidpower. Đọc thêm tại: <https://www.kidpower.org/library/article/bullying-in-schools/>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Bullying statistics. Đọc thêm tại: <http://www.bullyingstatistics.org/content/teenage-bullying.html>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Dealing with bullying. Đọc thêm tại: <http://www.helpguide.org/articles/abuse/dealing-with-bullying.htm>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Helping kids dealing with bullies. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/emotions/feelings/bullies.html>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Stop bullying. Đọc thêm tại: <http://www.stopbullying.gov/what-you-can-do/parents/index.html>.[Ngày 18 tháng 7 năm 2015].