Có rất nhiều phương pháp trị mụn hiệu quả, nhưng không phải cứ áp dụng những phương pháp trị mụn là thành công nhé. Vậy làm thế nào để hết mụn? Cách tốt nhất là chăm sóc da thật cẩn thận, và lưu ý những tác dụng phụ khi kết hợp các loại thuốc khác nhau hoặc với các liệu pháp thiên nhiên khác.
Làm thế nào để hết mụn?
Mụn, cho dù nhiều hay ít hoặc bất cứ loại mụn nào cũng có thể khiến bạn kém tự tin và vui vẻ. Làn da của bạn cần được chăm sóc bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhất là đối với các bạn bị sẹo do mụn hoặc bị mụn nhiều, kéo dài và khó chữa.
Mụn đôi lúc có thể che giấu được. Nếu bạn có nhu cầu dùng các loại mỹ phẩm và kem che khuyết điểm thì nên dùng các loại chứa nhiều nước (water-based).
Mặc dù những phương pháp trị mụn thông thường không thể điều trị tận gốc nhưng cũng ít nhiều làm thuyên giảm bớt các nốt mụn.
Những phương pháp trị mụn tốt nhất phải ngăn chặn được các cơ chế tiết bã nhờn và sự tăng trưởng của các vi khuẩn, đồng thời tẩy được các tế bào da chết để lỗ chân lông được thông thoáng.
Hầu như tất cả các liệu pháp điều trị mụn đều có tác dụng phụ, vì thế bạn phải cẩn thận mỗi khi tiến hành một phương pháp mới. Lưu ý những điều này sẽ giúp bạn có được phương pháp trị mụn phù hợp với làn da của mình.
Những điều cần lưu ý khi điều trị mụn
Nếu áp dụng phương pháp trị mụn bằng dược lý, bạn cần lưu ý đến các tác dụng phụ và những hệ quả khi kết hợp với các thuốc hoặc liệu pháp thiên nhiên khác.
Chẳng hạn như Retinoid dạng thoa và Benzoyl peroxide có thể làm da nổi mẩn đỏ, khô và dễ bắt nắng. Kháng sinh dạng uống cũng khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và gây rối loạn hệ tiêu hóa. Benzoyl peroxide có thể làm giảm tác dụng của các loại retinoid dạng thoa, do đó không nên sử dụng hai loại thuốc này cùng một lúc.
Uống thuốc kháng sinh vài tuần liền có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm dạng men ở phụ nữ. Một vài loại thuốc khác còn có thể gây dị ứng hoặc kích ứng nặng; mặc dù những trường hợp này là rất hiếm.
Hãy đến bệnh viện cấp cứu ngay nếu bạn gặp phải những triệu chứng như nghẹn cổ, khó thở, ngất hoặc chóng mặt và mặt hoặc lưỡi bị sưng phù, biến dạng. Cũng không nên tiếp tục dùng thuốc nếu bị ngứa hoặc nổi mề đay.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể và kéo dài từ vài phút cho tới vài ngày hoặc nhiều hơn nữa ngay sau lần đầu tiên sử dụng.
Điều trị sẹo sau mụn
Có rất nhiều người sau khi hết mụn thì lại bị ám ảnh bởi các vết sẹo và thâm sau đó. Chúng ta có thể sử dụng một vài thủ thuật tác động ngoại khoa để làm mờ sẹo như mài da, chiếu tia laser, tiêm “chất làm đầy” dưới da và lột da bằng hóa chất.
Các thủ thuật này sẽ giúp loại bỏ bề mặt da bị sẹo để các lớp da không tì vết bên dưới xuất hiện. Các bác sĩ da liễu cũng hay sử dụng acid glycolic và những chất gây lột da khác để trị mụn đầu đen và giảm mụn mủ.
Tuy nhiên, kỹ thuật mài da siêu dẫn (hay còn gọi là siêu mài mòn da) là phương pháp hầu như không có tác dụng gì đối với mụn cả.
Tốt nhất là bạn hãy tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên khoa gia liễu về quy trình, các biện pháp bảo vệ và hậu quả trước khi quyết định thực hiện các biện pháp này.
Ngăn ngừa mụn bằng cách nào?
Nguyên nhân gây ra mụn là do sự thay đổi thất thường của các hormone và cả yếu tố di truyền. Do đó nhiều chuyên gia cho rằng không thể có một phương pháp vệ sinh hay chế độ ăn uống nào có thể ngăn ngừa được mụn. Tuy nhiên, nếu điều trị hợp lý có thể kiểm soát và làm giảm bớt mụn trong tương lai.
Biện pháp ngăn ngừa mụn tốt nhất là chăm sóc da một cách cẩn thận, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì. Phương pháp cơ bản nhất là tắm rửa sạch sẽ hàng ngày và rửa mặt, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn nhẹ hoặc loại xà phòng không ướp hương liệu.
Những biện pháp chăm sóc da mụn khác bao gồm:
- Dùng những loại mỹ phẩm không gây mụn (non-comedogenic) hoặc sản phẩm dành cho da nhạy cảm để giảm khả năng gây tổn thương và kích ứng da.
- Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ mỗi ngày 2 lần.
- Tránh sử dụng các loại sữa rửa mặt hoặc sản phẩm có các phần tử thô hoặc có hạt vì chúng có thể làm tổn thương và kích ứng da, từ đó gây mụn nhiều hơn.
- Dùng các loại kem dưỡng ẩm không gây mụn hàng ngày.
- Chọn các sản phẩm trang điểm không gây mụn.
- Không châm, nặn hoặc ép mụn vì sẽ gây nhiễm trùng da và để lại sẹo.
Understanding Acne Treatment. <http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/understanding-acne-treatment>. [Ngày 10 tháng 12 năm 2015].