Mẹ mang thai mắc bệnh cường giáp có nguy hiểm không? Phải điều trị như thế nào để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé? Tham khảo bài viết để hiểu rõ hơn nhé!
Khi chuẩn bị mang thai, có những vấn đề có thể xảy ra khiến cho nhiều phụ nữ lo lắng. Một trong số đó chính là bệnh rối loạn tuyến giáp mãn tính. Câu hỏi thường được các mẹ đặt ra là khi mang thai, nếu bị bệnh cường giáp có nguy hiểm không và điều trị như thế nào cho đúng?
Bệnh cường giáp là gì?
Bệnh cường giáp (còn gọi là bướu cổ hay cường năng tuyến giáp) là tình trạng khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều các hormone tuyến giáp (nội tiết tố) thyroxine trong cơ thể. Bệnh có thể làm tăng tốc quá trình trao đổi chất trong cơ thể gây nên việc giảm cân đột ngột, làm tim đập không đều hoặc nhanh, gây đổ mồ hôi và các triệu chứng căng thẳng có chịu khác
Kiểm soát bệnh cường giáp từ trước khi mang thai
Bệnh cường giáp có nguy hiểm không? Liệu mẹ mắc bệnh cường giáp có thể mang thai không? là những câu hỏi khiến nhiều chị em lo lắng.
Nhưng mẹ yên tâm đi, các mẹ có tiền sử bệnh bướu cổ (bệnh cường giáp) do nguyên nhân bệnh lý Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow) vẫn có thể mang thai nhưng mẹ phải đảm bảo điều này được lên kế hoạch và cần kiểm soát tốt bệnh cường giáp trước khi mang thai nhé.
Khi đang mang thai mắc bệnh cường giáp có nguy hiểm không?
Nếu trong khi mang thai, mẹ bầu bị bướu cổ (bệnh cường giáp) mà không điều trị có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng cho cả hai mẹ con như: sẩy thai, suy tim, tiền sản giật, nhau bong non và sinh non,…
Mẹ hãy an tâm vì nếu được điều trị đúng cách trong thời gian mang thai, sức khỏe của mẹ và bé yêu có thể đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, những trường hợp bị bướu cổ nhẹ có thể sẽ thuyên giảm khi mang thai, vì vào thời điểm này, cơ thể mẹ cần nhiều hormone tuyến giáp hơn bình thường.
Trong thời gian mang thai, phương pháp điều trị dành cho những bệnh nhân bị cường giáp là dùng thuốc kháng giáp (antithyroid medication) propylthiouracil) (PTU) với liều dùng thấp nhất có thể. Nếu bị dị ứng với PTU, mẹ có thể dùng methimazole (Tapazole) thay thế. Thuốc này có thể làm giảm dần các triệu chứng của cường giáp bằng cách ngăn không cho tuyến giáp sản xuất dư thừa hormone thyroxin nữa.
Trong trường hợp mẹ không thể điều trị bằng thuốc thì có thể phẫu thuật để loại bỏ tuyến giáp, nhưng điều này chỉ nên tiến hành vào thời gian đầu của tam cá nguyệt thứ 2 để tránh nguy cơ sẩy thai (xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất) và sinh non (xảy ra từ cuối tam cá nguyệt thứ 2 đến tam cá nguyệt thứ 3). Không nên dùng phương pháp phóng xạ Iốt để điều trị vì phương pháp này không an toàn trong giai đoạn mang thai.
Nếu từng phẫu thuật hay phóng xạ iốt trước khi mang thai để điều trị bệnh cường giáp gây ra do bệnh Graves (Basedow), mẹ hãy chờ ít nhất 6 tháng sau mới quyết định mang thai nhé. Ngoài ra, trong thời gian mang thai mẹ sẽ phải tiếp tục áp dụng liệu pháp thay thế tuyến giáp, điều này không chỉ an toàn cho mẹ mà còn rất cần thiết cho sự phát triển của em bé trong bụng. Đồng thời, bé yêu cũng cần được theo dõi các vấn đề phát sinh có liên quan tới tuyến giáp.
Trong một số trường hợp, các triệu chứng của bệnh cường giáp có thể trở nặng trong 3 tháng đầu rồi dần cải thiện trong giai đoạn sau của thai kỳ. Tuy nhiên sau khi sinh triệu chứng có thể nặng trở lại. Vì vậy, cường độ điều trị thường thay đổi theo thời gian và đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm để kiểm soát bệnh trong và sau khi mang thai. Trong đó, lượng hormone tuyến giáp cần được kiểm tra thường xuyên.
Sau khi sinh và đang cho con bú, các mẹ vẫn có thể dùng thuốc thuốc kháng giáp (antihyroid medication) vì chỉ một lượng nhỏ thuốc có thể truyền sang sữa mẹ. Tuy nhiên, để chắc chắn, bác sĩ sẽ tư vấn giúp mẹ cân nhắc các lợi ích của việc cho con dùng sữa mẹ và những rủi ro có thể có của những loại thuốc này. Từ đó giúp mẹ quyết định điều gì tốt nhất cần làm cho hai mẹ con.
Vậy nên, nếu mẹ định lên kế hoạch mang thai nhưng vẫn đang băn khoăn nếu mẹ mang thai mắc bệnh cường giáp có nguy hiểm không thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp trước khi mang thai nhé.
Ngoài ra, mẹ hãy tham khảo thêm bệnh suy giáp khi mang thai và cách kiểm soát bệnh để sớm nhận biết những dấu hiệu và có cách điều trị hợp lý nhé! Bởi căn bệnh này cũng khá nguy hiểm đấy, nếu mẹ không điều trị kịp thời thì nhau thai phát triển bất thường, sinh non, con sinh ra bị nhẹ cân hoặc xuất huyết sau khi sinh. Lượng hormone tuyến giáp thấp cũng liên quan đến chứng trầm cảm của mẹ khi mang thai và sau sinh đấy. Vậy nên mẹ cẩn thận một xíu để thai kỳ được phát triển tốt nhé!
Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA.
- Thyroid Disease and Pregnancy. Tham khảo tại: <http://www.thyroid.org/faq-thyroid-disease-and-pregnancy/>. [Ngày 1 tháng 04 năm 2015]