Trẻ vị thành niên mất kiểm soát hành vi và cảm xúc có thể dẫn tới tình trạng bạo lực. Nếu con bạn rơi vào tình trạng này, hãy có cách dạy con thật sự tinh tế nhé!
Mất kiểm soát hành vi và cảm xúc, tình trạng bạo lực là những hiện tượng đang ngày càng gia tăng ở thanh thiếu niên. Các chương trình TV, các trò chơi trên internet có nội dung bạo lực có thể làm tăng khả năng bạo lực ở trẻ và nếu trẻ có vấn đề về cảm xúc hay tâm lý thì nguy cơ mất kiểm soát cảm xúc và có hành vi bạo lực càng cao. Do đó, cha mẹ nên để ý đến một vài dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể trở nên bạo lực gồm:
- Sử dụng bất kì loại vũ khí nào (dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, súng…).
- Bị ám ảnh bởi những trò chơi, phim bạo lực hoặc các trang web quảng bá, tôn vinh bạo lực.
- Đe dọa hoặc bắt nạt người khác.
- Tưởng tượng về việc thực hiện các hành vi bạo lực.
- Sử dụng bạo lực, hành hạ vật nuôi hoặc các động vật khác.
Khi con mất kiểm soát cảm xúc và hành vi, cha mẹ có thể áp dụng các cách sau để giúp con kiểm soát tốt hơn cảm xúc và hành vi của mình. Cùng tìm hiểu nội dung bên dưới nhé!
Quan tâm và trò chuyện với con
Bất kể con bạn đang gặp phải chuyện gì thì bạn cũng không phải là một người cha, người mẹ thất bại. Thay vì đổ lỗi cho bản thân, cha mẹ hãy tập trung vào nhu cầu hiện tại của trẻ. Vì thế, bước đầu tiên, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ. Dù trẻ có thờ ơ hay bực bội với cha mẹ, trẻ vẫn khao khát tình yêu và sự chấp nhận từ gia đình mình. Điều này có nghĩa là cha mẹ có ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Do đó, cha mẹ có thể:
- Xem xét mức độ căng thẳng của bản thân. Nếu bạn đang buồn phiền hay bực bội thì không nên nói chuyện với con mà hãy chờ đến lúc con kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn, thật sự bình tĩnh và sẵn sàng để nói chuyện.
- Dành thời gian cho con. Cha mẹ và trẻ có thể dành thời gian ăn uống cùng nhau (không có TV hay những thứ làm sao lãng sự chú ý) và cố gắng trò chuyện với con trong những khoảng thời gian như vậy. Bạn có thể cảm thấy thất vọng khi trẻ không hào hứng hoặc im lặng. Nhưng hãy cứ dành thời gian bên con, để bất kì khi nào trẻ muốn chia sẻ, các em sẽ có cơ hội để nói chuyện.
Khi con mất kiểm soát hành vi và cảm xúc, cha mẹ hãy dành thời gian trò chuyện với con
- Tìm ra điểm chung. Thay vì cố gắng nói chuyện với con về ngoại hình hay phong cách ăn mặc (những chủ đề có thể châm ngòi cho việc cãi cọ hoặc làm vấn đề mất kiểm soát cảm xúc xảy ra), cha mẹ có thể tìm điểm chung giữa cha mẹ và con để nói. Các ông bố có thể trao đổi với con trai về bóng đá, mẹ có thể tám chuyện với con về phim ảnh… Mục đích của những điều này không phải là để trở thành bạn thân của con mà giúp các bậc phụ huynh có thể nói chuyện vui vẻ với con, tạo nền tảng giúp trẻ cảm thấy thoải mái để nói chuyện về những thứ khác.
- Lắng nghe con mà không chỉ trích hay dạy bảo. Khi nói chuyện với con, hãy lắng nghe trẻ, không chỉ trích, chế nhạo, ngắt lời, phê bình hoặc đưa ra lời chỉ bảo. Con cái luôn muốn được cha mẹ thấu hiểu và coi trọng, cho nên bạn cần thể hiện những điều này với các con. Trong cuộc nói chuyện, cha mẹ hãy cố gắng duy trì tiếp xúc mắt và tập trung vào con, ngay cả khi trẻ không nhìn bạn. Nếu bạn không tập trung (vừa nói chuyện vừa nhắn tin hoặc đọc báo…) trẻ sẽ cảm thấy rằng mình không quan trọng đối với cha mẹ.
- Không bỏ cuộc giữa chừng. Trong lúc nói chuyện với con, nếu trẻ mất kiểm soát hành vi và cảm xúc và phản ứng lại bằng sự giận dữ, cáu gắt hay những phản ứng tiêu cực khác thì bạn hãy bình tĩnh và cho con một không gian riêng để những cảm xúc của con nguội bớt. Sau đó hãy cố gắng nói chuyện một lần nữa khi cả hai đã bình tĩnh nhé. Việc kết nối thành công với con cần rất nhiều thời gian và công sức nên cha mẹ đừng vội nản chí.
Tạo ra phong cách sống lành mạnh
- Tạo lập thói quen cho gia đình: Trẻ có thể cảm thấy khó chịu vì những quy định mà cha mẹ đặt ra nhưng điều này không có nghĩa là trẻ không cần chúng. Việc tạo lập thói quen giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. Ví dụ: đặt ra thời gian ăn sáng và ăn tối. Những bữa ăn sáng và tối cùng nhau là cơ hội tuyệt vời để bạn biết được những việc con làm trong ngày.
- Giảm thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông: Như đã nói ở trên, các chương trình TV, phim ảnh, internet, trò chơi điện tử có nội dung bạo lực có thể tác động đến con bạn và đôi lúc khiến chúng mất kiểm soát cảm xúc và hành vi. Hơn thế nữa, việc sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não và giấc ngủ.
- Khuyến khích con tập thể thao. Việc này sẽ giúp con giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, tăng năng lượng và lòng tự trọng và cải thiện giấc ngủ. Nếu con quá mê các trò chơi trên mạng, cha mẹ hãy khuyến khích con đứng dậy và thực hành những hoạt động như trong trò chơi: trượt ván, đá bóng, tennis… Một khi tập thể dục trở thành thói quen, cha mẹ có thể khuyến khích con thử các môn thể thao hoặc tham gia vào các câu lạc bộ thể thao.
- Ăn uống hợp lý. Việc ăn uống lành mạnh giúp cân bằng cơ thể, phát triển não bộ và cải thiện tâm trạng. Cha mẹ có thể làm gương cho con trẻ bằng việc dành thời gian nấu nướng ở nhà, ăn nhiều rau củ và hạn chế ăn vặt.
- Đảm bảo con ngủ đủ giấc. Việc thiếu ngủ có thể làm con bạn căng thẳng, dễ mất kiểm soát cảm xúc, khó chịu, cáu kỉnh, lờ đờ và gây ra các vấn đề liên quan đến cân nặng, trí nhớ, sự tập trung, ra quyết định và hệ miễn dịch. Bạn có thể ngủ 6 tiếng một đêm và vẫn làm việc được sau đó nhưng trẻ cần 8 – 10 tiếng để ngủ mỗi đêm. Cha mẹ có thể thiết lập giờ đi ngủ và không để các đồ điện tử (TV, máy tính…) trong phòng con. Trước khi đi ngủ đừng cho trẻ đụng vào những đồ này mà thay vào đó, tập cho con nghe nhạc hoặc nghe sách nói trước khi đi ngủ.
Chăm sóc bản thân
Căng thẳng trong chuyện con cái, nhất là với những trẻ mất kiểm soát cảm xúc và hành vi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cha mẹ, vì thế bạn cần phải tự chăm sóc mình, cả sức khỏe thể lý lẫn tinh thần và học cách quản lý căng thẳng. Một số phương pháp sau giúp bạn giảm stress rất hiệu quả:
- Dành thời gian hằng ngày để thư giãn, tìm cách điều chỉnh bản thân và giảm căng thẳng khi bạn cảm thấy bị quá tải.
- Đừng giải quyết mọi chuyện một mình, đặc biệt là những ông bố bà mẹ đơn thân. Hãy tìm đến bạn bè, người thân, nhà tham vấn học đường… để được hỗ trợ.
- Tìm hiểu những dấu hiệu của trầm cảm, lo âu và tìm sự hỗ trợ chuyên nghiệp nếu cần.
Hãy luôn nhớ rằng không có gì kéo dài mãi mãi. Có thể con bạn đang gặp vấn đề nhưng bằng tình yêu và sự hỗ trợ của cha mẹ, mọi chuyện có thể tốt đẹp, con sẽ vượt qua những khó khăn của mình và trở nên trưởng thành hơn.
- Help for Parents of Troubled Teens. Đọc thêm tại: <http://www.helpguide.org/articles/teen-issues/helping-troubled-teens.htm>. [Ngày 14 tháng 8 năm 2015].
- Out of control teens. Đọc thêm tại: <http://www.familyfirstaid.org/issues/out-of-control-teens/>. [Ngày 14 tháng 8 năm 2015].