Hiện nay, sinh mổ đang dần trở thành trào lưu kéo theo nhiều chị em có mong muốn lựa chọn sinh mổ hơn sinh thường. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ cũng không ít chị em phân vân nên sinh thường hay sinh mổ và việc sinh mổ có tốt không? Cùng mekhonghoanhao làm rõ vấn đề này nhé!
Sinh mổ đang trở thành trào lưu
Trong thời gian gần đây, việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ trở nên nóng hơn khi sinh mổ ngày càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết với khá nhiều chị em. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cũng nên chạy theo phong trào để chọn nó đâu.
Với sinh mổ, ngoài việc phải phục hồi sau ca phẫu thuật, bạn còn phải hồi phục sau khi sinh con nữa. Ngoại trừ việc đáy chậu của bạn không bị ảnh hưởng gì, bạn sẽ phải trải qua những điều khó chịu sau sinh không khác gì các mẹ sinh thường trong một vài tuần tiếp, như: cơn đau sau khi sinh, chảy máu tử cung sau sinh, khó chịu ở vùng đáy chậu (nếu cơn chuyển dạ của bạn kéo dài trước khi mổ lấy thai nhi), vùng ngực bị căng sữa quá mức, cảm thấy mệt mỏi, sự thay đổi các hormone, đổ nhiều mồ hôi.
Chính vì vậy, sinh mổ không phải là một quyết định bạn nên đưa ra một cách chớp nhoáng hay chạy theo xu thế. Việc sinh mổ cần sự xem xét vô cùng cẩn thận, cũng như cần được bàn bạc kỹ lưỡng với bác sĩ được lựa chọn đỡ đẻ cho bạn (nếu có) về những lợi ích cũng như bất lợi của phương pháp sinh con này.
Một điều cần lưu ý nữa trước khi bạn quyết định sinh mổ theo yêu cầu (không phải do chỉ định y khoa) là thời điểm tốt nhất để bé ra đời là khi bé sẵn sàng chào đời. Khi bạn sinh mổ theo yêu cầu, sẽ có trường hợp vô tình bé bị bắt chào đời quá sớm đấy.
Có cần tham gia các lớp học tiền sản cho sản phụ dự sinh mổ?
Bạn nghĩ rằng nếu chọn sinh mổ thì bạn sẽ không cần theo học các lớp tiền sản nữa là không phải đâu. Dĩ nhiên là bạn không cần phải học để trở thành chuyên gia trong các bài thực hành thở hoặc rặn đẻ hiệu quả trong khi sinh.
Tuy vậy, tham gia các lớp học tiền sản vẫn có thể đem lại cho bạn và chồng khá nhiều kiến thức về những điều có thể xảy ra khi sinh mổ hay gây tê ngoài màng cứng trong trường hợp bạn thay đổi quyết định ngay trước khi sinh.
Các lớp học tiền sản hầu hết đưa ra những lời khuyên vô cùng thiết thực về cách chăm sóc bé (những điều mà bạn phải thành thạo dù bạn sinh bé với phương pháp nào đi chăng nữa), quá trình cho con bú, và các bí quyết giữ dáng sau sinh.
Và đừng lơ đãng hay mất tập trung nếu giáo viên đang tập cho các học viên khác cách thở khi đẻ. Sau này bạn có thể sẽ thấy rằng những kỹ năng đó rất hữu ích khi bạn đối mặt với cơn đau sau sinh (khi mà tử cung bắt đầu co về kích thước ban đầu của nó), hoặc khi bé không chịu bú mà cứ ngấu nghiến nhũ hoa của mình đấy. Những kỹ thuật thư giãn này có thể giúp các ông bố bà mẹ có con đầu lòng nhiều hơn bạn tưởng tượng rất nhiều.
Một lần nữa, việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ nếu không phải là một chỉ định y khoa cần thiết được bác sĩ đưa ra thì cần được cân nhắc kĩ càng bạn nhé.
Những cân nhắc để lựa chọn sinh thường hay sinh mổ
Dù có rất nhiều lý do cá nhân để bạn muốn được lựa chọn phương pháp sinh mổ, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn đã cân nhắc về những điểm lợi và hại có thể xảy ra trong việc lựa chọn giữa sinh thường hay sinh mổ.
- Nếu bạn chọn sinh mổ chỉ vì bạn sợ đau khi phải sinh thường: thì bạn chỉ cần nhớ rằng, sinh mổ không phải là con đường duy nhất để bạn vượt cạn mà không đau đâu. Hiện nay, có rất nhiều những phương pháp giảm đau hiệu quả cho các sản phụ sinh thường qua đường âm hộ. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ đỡ đẻ để chọn phương pháp phù hợp cho mình.
- Nếu bạn quá lo lắng về những ảnh hưởng sau khi sinh thường: ví dụ như những tổn thương khung chậu, hiện tượng tiểu không kiểm soát (không tự chủ) hoặc cơ thành âm đạo của bạn có thể bị giãn nhiều sau khi sinh em bé. Bạn đừng lo, những bài tập Kegel (bài tập thể dục sàn chậu) có thể làm giảm tình trạng giãn âm đạo này một cách đáng kể.
Lựa chọn sinh thường hay sinh mổ khiến nhiều chị em đau đầu
- Bạn nghĩ rằng việc sinh mổ sẽ thuận tiện hơn vì ca mổ diễn ra rất nhanh? Hãy chắc rằng bạn đã suy nghĩ đến khoảng thời gian hồi phục sau sinh mổ và thời gian nghỉ dưỡng ở bệnh viện lâu hơn, cùng với những nguy cơ khi tiến hành phẫu thuật cho bạn và cả bé yêu khi bạn chọn sinh mổ nhé. Tính ra sinh mổ không hẳn là tiện lợi như bạn nghĩ đâu.
- Nếu bạn muốn có thêm một hoặc vài bé nữa thì bạn cần biết rằng sự lựa chọn sinh mổ bây giờ có thể sẽ làm hạn chế những lựa chọn cách sinh con cho những lần sinh tiếp theo. Ngày nay, nhiều bác sĩ và bệnh viện hạn chế việc sinh thường sau khi đã sinh mổ (VBAC). Điều này có nghĩa là khả năng bạn được quyền chọn sinh thường qua ngã âm đạo cho lần sinh kế tiếp có thể sẽ bị hạn chế, và những đứa con tiếp theo của bạn đều phải sinh mổ. Hơn nữa, bạn cũng không thể có em bé sau sớm được, vì các phụ nữ đã từng sinh mổ đều phải có thời gian chờ đợi cho tử cung liền lại trước khi mang thai lần tiếp theo lâu hơn là những phụ nữ sinh thường. Vậy bạn nghĩ mình chọn sinh thường hay sinh mổ với lý do này?
Nhưng nếu sau khi đã cân nhắc kỹ càng mà bạn vẫn muốn phương pháp sinh mổ theo yêu cầu, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn và cùng quyết định xem liệu đây có phải là lựa chọn tốt nhất cho bạn và bé không nhé!
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 323 – 324.
- C-section by choice. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/0_c-section-by-choice_1498696.bc>. [Ngày 01 tháng 10 năm 2015].