Ngày xưa, khi còn bé, mỗi dịp Tết thầy cô ngày 20-11, đám học sinh chúng tôi thường rủ rê nhau đến nhà cô hoặc thầy để chúc mừng.
Còn nhớ lúc đó không có quà cáp sang trọng cho ngày 20-11 chi hết. Đám chúng tôi được cha mẹ chuẩn bị cho nào là trứng gà, trứng vịt, có đứa thì nhà mới mổ lợn nên bảo mang sang biếu cô cả cái chân giò, đứa thì dăm ba quả cam, rổ tép bạc… cả đám nắm tay nhau vừa đi, vừa hát vang cả một khúc đường quê.
Chúng tôi đi từ sớm nhưng đến nhà cô giáo khi mặt trời đã lên cao. Một đứa trong đám tôi đứng ra đại diện tặng cho cô Hạnh một bó hoa Ngọc Lan. Hoa này do ba của bạn Hòa sáng dậy sớm hái giúp chúng tôi. Bó hoa ngày đó không được gói bóng kiếng, không có nơ cột nhưng chứa đựng cả một tấm lòng của phụ huynh và học sinh khi ấy.
Nghe tiếng chúng tôi từ xa, cô Hạnh đã mở cổng chào đón, nhận bó hoa từ tay bạn Nhàn, cô cười rồi xoa đầu từng đứa khi thấy chúng tôi đứa nào cũng tay xách, nách mang đủ thứ đồ ăn. Chúng tôi bắt đầu màn tặng quà cô giáo, mỗi đứa tự “thuyết trình” nguồn gốc của món quà mình mang tới. Khi đến lượt mình, tôi thấy cô Hạnh vui vui khi nhận xấp vải kate hồng từ tay tôi (thời đó rất khó khăn để mua được vải, xấp vải đó là do bà ngoại tôi ở Sài Gòn gửi xuống cho má tui để may áo cho chị em tôi nhưng má tôi đã cắt ra ½ để tặng cô giáo).
Cô trò chúng tôi cùng nhau nói cười rộn rã, đoán chúng tôi sẽ tới thăm ngày 20-11 nên cô Hạnh tráng bánh xèo để đãi cả đám. Cái món bánh xèo, tôm đất, thịt ba chỉ, đậu xanh, củ sắn (người Miền Tây dùng củ sắn hay còn gọi là củ đậu bào sợi thay cho giá) được cuốn với rau cải đắng vườn, chấm với nước mắm chua ngọt, công thêm cái béo béo của nước cốt dừa, tất cả hòa quyệt lại tạo nên một món ăn đậm chất miền tây. Sau này khi ba má tôi chuyển công tác về lại Sài Gòn, nhà tôi cũng thường tráng bánh xèo để ăn. Cũng nguyên liệu như ngày đó nhưng mãi tôi vẫn không cảm nhận được hương vị ngon của cái bánh xèo của ngày 20-11 năm đó.
Vừa ăn bánh xèo, chúng tôi còn được cô chặt dừa cho uống. Còn ba của cô Hạnh ngồi vừa đàn vừa hát vọng cổ để phục vụ cho đám khách nhí nhố chúng tôi. Khi chúng tôi chào cô ra về trời cũng sắp chiều, cô tiễn chúng tôi ra cửa, cám ơn từng đứa một. Cô còn đứng chờ cả đám đi khuất mới vào nhà. Ngày 20-11 của chúng tôi kết thúc, với hoa nhà trồng, không có phong bì mà chỉ sự trân trọng, biết ơn của học sinh với cô giáo của mình. Nhưng cô trò chúng tôi ngày đó rất háo hức khi đến ngày ngày giáo Việt Nam.
Theo thời gian, cuộc sống dần thay đổi, cách nghĩ, cách thể hiện tình cảm của con người cũng thay đổi theo. Miếng thịt, chục trứng, mớ tôm, không còn là thứ quý giá nhất trong nhà nữa mà được thay thế bằng những món quà tặng 20-11 có giá trị vật chất. Rồi dần dần phong bì được thay cho quà tặng để phụ huynh tiết kiệm được thời gian. Sự thay đổi này chung quy cũng do chính chúng ta mà ra. Vậy nên xin đừng đổ lỗi cho thầy cô giáo.