Bạn đã nghe đến phương pháp mổ lấy thai nhi, nhưng bạn đã biết những nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai được bác sĩ chỉ định sinh mổ (đẻ mổ) là gì không? Tham khảo bài viết để tìm lời giải đáp nhé!
Sinh mổ (đẻ mổ) là gì không?
Một số phụ nữ mang thai không hề biết mình phải sinh mổ cho đến khi bước vào phòng sinh, một số khác sẽ được thông báo trước một thời gian trước khi sinh. Những bác sĩ khác nhau sẽ áp dụng các nguyên tắc khác nhau về việc khi nào thì cần sinh mổ. Sau đây là những nguyên nhân thường gặp nhất cho việc tiến hành mổ lấy thai nhi:
- Do lần sinh mổ trước. Lý do đưa đến lần mổ trước đến nay vẫn còn tồn tại (ví dụ như mẹ có hình dáng khung chậu bất thường) hoặc lần trước mẹ được mổ với đường mổ dọc (thay vì đường mổ ngang vốn phổ biến hơn, và chịu áp lực tốt hơn khi chuyển dạ). Với đa số bác sĩ phụ sản, phương pháp mổ lấy thai nhi cũng được tiến hành đối với những phụ nữ mang thai có tiền sử sinh mổ trước đây.
- Khi đầu của thai nhi quá to không vừa với kích thước của khung chậu của mẹ (còn gọi là bất tương xứng đầu-chậu (cephalopelvic disproportion), bắt buộc các bác sĩ phải mổ lấy thai nhi giúp mẹ.
- Đa thai (hầu hết các ca từ sinh ba trở lên đều được sinh mổ, thậm chí một số ca sinh đôi cũng cần được mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả 2 bé và mẹ).
- Thai ngôi mông hoặc các ngôi thai bất thường khác.
- Do tình trạng thai nhi hoặc bệnh của mẹ (như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tiền sản giật) sẽ khiến cho việc sinh qua ngã âm đạo gặp nhiều rủi ro hơn.
- Mẹ bị béo phì.
- Mẹ bị nhiễm Herpes giai đoạn đang hoạt động, đặc biệt nhiễm herpes sơ cấp (primary herpes) hoặc bị nhiễm HIV để hạn chế tối đa việc lây sang cho con.
- Nhau tiền đạo (khi nhau che lấp một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung), hoặc nhau bong non (khi nhau bị bong tách khỏi thành tử cung quá sớm).
Thỉnh thoảng, quyết định mổ lấy thai nhi không được đưa ra cho đến khi quá trình sinh nở thật sự bắt đầu, vì những lý do sau đây:
- Thai trình ngưng tiến triển, ví dụ như cổ tử cung không nở ra đủ nhanh hay thời gian mẹ rặn đưa em bé ra khỏi tử cung mất quá lâu. (Trong hầu hết các trường hơp, bác sĩ sẽ hỗ trợ các cơn gò thưa thớt này bằng việc tiêm oxytocin trước khi dùng đến phương pháp phẫu thuật mổ lấy thai nhi).
- Việc sử dụng các dụng cụ trợ sinh (kẹp Forcep, máy hút) không thành công.
- Suy thai.
- Sa dây rốn.
- Vỡ tử cung.
Những trường hợp sinh mổ này đều nhằm mục đích giúp bạn sinh bé một cách an toàn nhất. Nếu bác sĩ sản khoa bảo rằng việc mổ lấy thai nhi là cần thiết – hoặc hầu như cần thiết – hãy hỏi chi tiết bác sĩ để được giải thích lý do tại sao, đồng thời cũng nên hỏi thêm có các phương pháp nào khác áp dụng được cho bạn hay không và các nguy cơ kèm theo là gì nhé.
Chúc bạn mẹ tròn con vuông.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 322 – 323.
- What are the reasons for having a caesarean section?. Đọc thêm tại: <http://www.babycentre.co.uk/x1029502/what-are-the-reasons-for-having-a-caesarean-section#ixzz3meBn0vTA>. [Ngày 24 tháng 09 năm 2015]