Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể tạo thành các vết bầm tím ở da, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến xuất huyết não hoặc tử vong. Bạn cần biết các nguyên nhân và triệu chứng bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu để phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt bệnh ở trẻ.
>> Danh sách các phòng khám điều trị giảm tiểu cầu uy tín tại Hà Nội
Cùng tìm hiểu về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cùng mekhonghoanhao.com nhé!
Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?
Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là một dạng rối loạn hệ miễn dịch hiếm gặp có thể dẫn tới những vết bầm tím ở da hay chảy máu. Tình trạng xuất huyết này xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các tiểu cầu và làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu xuống rất thấp. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể điều trị được, kể cả trường hợp mãn tính.
Ở người khỏe mạnh, thông thường có từ 150.000 – 450.000 tiểu cầu/ mm3 máu, thế nhưng người mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có chỉ số này dưới 150.000. Ở một số bệnh nhân, chỉ số này hạ xuống rất thấp, 20.000 tiểu cầu/ mm3 máu hoặc thậm chí ít hơn. Ở trẻ em, chỉ cần bệnh nhi có số lượng tiểu cầu 30.000 tiểu cầu/ mm3 máu là đã cần được theo dõi liên tục để chữa trị rồi.
So sánh tiểu cầu người bình thường và người bị xuất huyết giảm tiểu cầu
Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu được chia thành 2 loại:
- Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính: cứ 10 trường hợp gặp căn bệnh này thì có 9 trường hợp là trẻ em.
- Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu mạn tính: thường xảy ra ở người lớn và ít xuất hiện ở trẻ nhỏ. Bệnh mạn tính có những triệu chứng giống như với xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính, ngoại trừ nó kéo dài thời gian lâu hơn 6 tháng.
Nguyên nhân xuất huyết giảm tiểu cầu
Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu là ba loại tế bào chính trong máu. Tiểu cầu là những cấu tử phi tế bào có kích thước rất nhỏ, đa hình dạng, linh động trong di chuyển. Chức năng chính của tiểu cầu là làm vững bền mạch máu, cầm máu khi thành mạch bị tổn thương lúc ban đầu và tham gia vào quá trình đông máu.
Trường hợp bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không xác định được nguyên nhân thì được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hay xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát – Idiopathic Thrombocytopenic Purpura (ITP). Do hầu hết các trường hợp mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu đều có hệ miễn dịch trục trặc nên bệnh còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
Ở những người mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, hệ thống miễn dịch gặp trục trặc. Kháng thể sinh ra thay vì tấn công vi sinh vật lạ lại bị lỗi và phá hủy các tiểu cầu như thể chúng là những vật thể lạ. Kết quả của trường hợp này dẫn tới số lượng tiểu cầu lưu thông thấp hơn bình thường.
Khi số lượng tiểu cầu bị giảm, thường là dưới mức 150.000 đã được coi là xuất huyết giảm tiểu cầu. Đặc biệt, tiểu cầu giảm thấp, ở dưới ngưỡng 20.000 tiểu cầu/ mm3 máu thì nguy cơ chảy máu gia tăng. Nguy cơ cao nhất là khi lượng tiểu cầu rơi xuống quá thấp, dưới 10.000 tiểu cầu thì trường hợp này cấp cứu khẩn cấp. Ở thời điểm này, xuất huyết nội có thể xảy ra mặc dù bệnh nhân không bị chấn thương bên ngoài. Nếu không điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu kịp thời có thể gây nguy hiểm vô cùng.
Trường hợp nào có nguy cơ mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu
Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên trẻ em thường mắc phải căn bệnh này hơn, đặc biệt là ở trẻ từ 2 – 9 tuổi. Ngoài ra, những nguyên nhân xuất huyết giảm tiểu cầu sau đây cũng làm gia tăng khả năng rủi ro cho bệnh này:
- Giới tính: Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cao hơn so với nam giới.
- Do bị nhiễm một số vi rút/ siêu vi: thủy đậu/ trái rạ, parvo vi rút, viêm gan siêu vi C, herpesvirus 4 (Epstein – Barr), tăng bạch cầu đơn nhân, hoặc HIV. Đối với phần lớn trẻ em mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, sự rối loạn miễn dịch diễn ra sau khi trẻ bị ốm do virus, chẳng hạn như quai bị hoặc cúm. Nguyên nhân có thể là do máu bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng đã tác động và làm cho hệ miễn dịch gặp trục trặc.
Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gây ra do bị nhiễm một số vi rút/ siêu vi
- Các bệnh về máu và tủy xương (suy tủy xương, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư nơi khác xâm lấn vào tủy xương; thiếu máu tiêu huyết tự miễn, ung thư máu…)
- Bệnh rối loạn hiếm gặp tán huyết tăng u rê huyết (Hội chứng HUS)
- Bệnh lao (lao kê – Miliary tuberculosis)
- Thiếu hụt Vitamin B12 hoặc Vitamin B9 (axit folic hoặc folate)
- Đang dùng các loại thuốc hóa trị liệu hoặc xạ trị trên tủy xương
- Uống quá nhiều đồ uống có cồn
- Lá lách bạn to ra (cường lách) nên trong quá trình lọc máu, lá lách cũng giữ lại một lượng lớn tiểu cầu.
- Tiền sản giật (một số thai phụ được chẩn đoán có nguy cơ này)
- Phẫu thuật tim
- Hiệu ứng phụ do thuốc bao gồm những thuốc trị bệnh tim, động kinh, chất độc
- Trong trường hợp khác, khi cơ thể của bạn sử dụng quá nhiều tiểu cầu cũng dẫn tới suy giảm tiểu cầu. Ví dụ khi bạn bị bệnh tự miễn dịch như viêm đa khớp dạng thấp hoặc ban đỏ rải rác (lupus), hoặc bạn bị xuất huyết ở nhiều chỗ trong cơ thể nên một lượng lớn tiểu cầu phải sử dụng vào quá trình đông máu làm lành vết thương cũng là nguyên nhân xuất huyết giảm tiểu cầu.
Đây là căn bệnh khá nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể dẫn đến xuất huyết não hoặc tử vong. Vậy nên bạn cần sớm nhận biết để đi khám hoặc nếu nghi ngờ con mình mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu trẻ em thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Vậy các triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu là thế nào?
Triệu chứng bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu
Thông thường thì bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu khi bị nhẹ có thể không có biểu hiện gì cụ thể ra ngoài, trừ khi thử máu và đếm tiểu cầu mới có thể biết được tình trạng thực sự. Nếu có biểu hiện, bệnh thường xảy ra theo 2 trường hợp:
- Trường hợp nhẹ: Xuất huyết dưới da dưới dạng chấm nhỏ li ti có kích thước như đinh ghim, dạng nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi (thường ở cẳng chân) hoặc rải rác khắp người; xuất huyết niêm mạc như chảy máu nướu răng (đặc biệt là sau khi làm răng), chảy máu cam, giác mạc; chảy máu kéo dài tại mũi, chân răng, chỗ châm kim, vết cắt, vết thương hoặc kinh nguyệt ồ ạt ở bé gái lớn (rong kinh).
- Trường hợp nặng: Xuất huyết bất kỳ nơi nào gây bầm tím nhiều, bạn có ấn vào da vùng đó cũng không thấy chuyển sang màu trắng, có thể chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, bộ phận sinh dục, phổi, não… hay chảy máu rất nhiều sau khi bị ngã.
Biến chứng lớn nhất của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là chảy máu, đặc biệt xuất huyết não, có thể dẫn tới tử vong.
Nếu phát hiện thấy trẻ hoặc người lớn có hiện tượng chảy máu hoặc có vết bầm tím bất thường, hoặc xuất hiện những đốm đỏ hình đinh ghim, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu kịp thời.
Để tìm hiểu thêm về cách chẩn đoán và điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, bạn có thể tham khảo ở bài viết: Chẩn đoán và điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát. Tham khảo tại: <http://bthh.org.vn/default.aspx?route=detail&id=38> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Xuất huyết giảm tiểu cầu. Tham khảo tại: <http://ykhoa.net/yhocphzothong/huyethoc/08_0023.htm> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Phác đồ chẩn đoán điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch tiên phát ở trẻ em. Tham khảo tại: <http://www.nhp.org.vn/Show.aspx?cat=041&nid=1258> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Trẻ em bị xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm. Tham khảo tại: <http://suckhoedoisong.vn/bac-si-tra-loi/tre-em-bi-xuat-huyet-giam-tieu-cau-co-nguy-hiem-20140322032610579.htm> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ. Tham khảo tại: <http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/98/xuat-huyet-giam-tieu-cau-o-tre-em.html> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Idiopathic Thrombocytopenia Purpura ITP. Tham khảo tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/idiopathic-thrombocytopenic-purpura/basics/definition/con-20034239> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Idiopathic Thrombocytopenia Purpura ITP. Tham khảo thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Idiopathic_thrombocytopenic_purpura> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Thrombocytopenia and ITP. Tham khảo tại: <http://www.webmd.com/a-to-z-guides/thrombocytopenia-symptoms-causes-treatments> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Thrombocytopenia. Tham khảo tại: <http://www.uofmmedicalcenter.org/HealthLibrary/Article/40932> Ngày 7 tháng 11 năm 2014]