Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiểu, mẹ bầu cần liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra mẫu nước tiểu xác định mẹ có thật sự bị nhiễm trùng hay không. Việc phát hiện nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai và điều trị sớm sẽ tốt hơn cho cả mẹ lẫn bé.
Làm sao để biết mẹ bị nhiễm trùng tiểu lúc mang thai?
Nếu mẹ nhận ra các triệu chứng dưới đây thì rất có thể mẹ đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Cần phải đi tiểu gấp hoặc đi tiểu thường xuyên.
- Khó tiểu.
- Có cảm giác nóng rát hoặc đau ở bụng dưới hay vùng dưới lưng.
- Có cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Nước tiểu đục và có mùi.
Làm gì nếu mẹ nghi ngờ bị nhiễm trùng tiểu khi mang thai?
Mẹ cần phải liên hệ với bác sĩ hay các chuyên gia sức khỏe để họ kiểm tra một mẫu nhỏ nước tiểu nhằm tìm kiếm vi khuẩn và kiểm tra các tế bào hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu.
Ngoài ra bác sĩ cũng có thể áp dụng nuôi cấy nước tiểu bằng cách xét nghiệm để tìm kiếm xem có loại vi khuẩn nào tồn tại trong nước tiểu không.
Nếu nhiễm trùng đường tiểu gây ra sự khó chịu thì mẹ có thể sẽ được điều trị trước khi có kết quả xét nghiệm.
Điều trị nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai
Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Mẹ có thể phải uống thuốc từ 3 -7 ngày hay theo quyết định của bác sĩ.
Các triệu chứng nhiễm trùng sẽ biến mất trong vòng 3 ngày. Mẹ nhớ đừng dừng việc uống thuốc sớm, thậm khí khi không còn xuất hiện triệu chứng (trừ khi theo sự chỉ dẫn của các chuyên gia).
Nhiều loại kháng sinh phổ biến như amoxicillin, erythromycin, penicillin được ghi nhận an toàn đối với phụ nữ mang thai. Một số loại khác như tetracylin có thể dẫn tới những vấn đề về gan và ảnh hưởng tối sự phát triển của răng của bé. Do đó mẹ nhớ lưu ý nếu có sử dụng các loại kháng sinh này để điều trị nhiễm trùng đường tiểu trong giai đoạn thai kỳ.
Một số cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Đây là số bước mẹ có thể làm để giảm nguy cơ mắc phải nhiễm trùng đường tiểu trong thời gian mang thai (hay kết hợp với các phương pháp điều trị thuốc để đẩy nhanh tốc độ hồi phục khi bị nhiễm trùng):
- Uống nhiều dịch lỏng, đặc biệt là nước có thể giúp “đuổi” vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Nước ép từ cây nam việt quất có thể có ích vì chất tannin chứa bên trong nước giúp loại vi khuẩn bám trên thành ống đường tiết niệu. Tránh dùng cà phê hay trà (dù không có caffein hay không) đồng thời cũng tránh dùng rượu vì chúng có thể gây kích thích.
- Rửa sạch khu vực âm đạo, đồng thời cố gắng tiểu cho hết nước tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Mỗi lần mẹ tiểu, dành thời gian để tiểu hết nước tiểu (cúi xuống khi đi tiểu có thể giúp mẹ tiểu hết nước tiểu). Sau khi tiểu, đợi 5 phút sau đó tiểu lần nữa. Và không nên nín tiểu khi có nhu cầu vì thường sẽ làm tăng khả năng dễ bị nhiễm trùng.
- Giúp cho vùng ‘kín’ của mẹ dễ thở hơn bằng mặc đồ lót đáy bằng bông hay các loại quần bó (panty hose); tránh mặc các quần chật, không mặc panty hose bên dưới quần dài.
- Giữ vùng âm đạo sạch sẽ và tránh các tác nhân kích thích một cách kỹ càng. Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để tránh vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo hay niệu đạo. Rửa sạch hàng ngày (dùng vòi tắm tốt hơn dùng bồn tắm) và tránh dùng các hồ bơi mà không được khử trùng bằng clo.
- Một số chuyên gia khuyến cáo nên ăn sữa chua có chứa các chủng vi sinh vật có hoạt tính (tìm dòng active cultures trên nhãn) hay các sản phảm probiotic trong khi mẹ đang dùng kháng sinh để giúp cân bằng các vi khuẩn có lợi. Nhớ hãy trao đổi với các chuyên gia vì một số chế phẩm sinh học probiotic có hoạt lực mạnh hơn một số khác.
- Tiếp tục giữ sức đề kháng của cơ thể cao bằng cách ăn khẩu phần ăn chứa dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tập thể thao, không được để cơ thể chịu nhiều áp lực và căng thẳng.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA.
- Pregnancy and Urinary Tract Infections. Tham khảo tại: <http://www.webmd.com/women/guide/pregnancy-urinary-tract-infection>. [Ngày 10 tháng 02 năm 2015]