Trong khi bụng của mẹ không lớn nhiều cho tới 3 tháng giữa thì ngực lại có những thay đổi dễ nhìn thấy trong những tuần đầu khi mẹ mang thai. Dưới đây là những thay đổi ở ngực khi mang thai mà mẹ bầu có thể tự quan sát và cảm nhận.
1. Sự thay đổi về kích thước của ngực
Khá nhiều mẹ phát hiện ra việc thay đổi của ngực khi mang thai thông qua sự thay đổi kích thước áo ngực, thậm chí có mẹ còn tăng lên đến 3 cỡ áo và mẹ cũng có cảm giác sưng đau ngực.
Sự thay đổi này do nồng độ hoóc môn Progesterone của mẹ gia tăng quá nhiều cũng giống như vào trước kỳ kinh nguyệt hàng tháng trước đây, nhưng nồng độ Progesteron khi mang thai thường cao hơn.
Một lý do khác là sự phát triển của các ống dẫn sữa, mô mỡ tích tụ tại ngực nhiều hơn và lượng máu đến khu vực này cũng nhiều hơn chuẩn bị cho việc cho con bú sau này.
2. Xuất hiện vùng sậm màu
Cùng với sự thay đồi về kích thước của ngực, mẹ sẽ có một số thay đổi khác nữa như:
- Quầng ngực sẫm màu khi mang thai (vùng sậm màu ở xung quanh đầu ti),
- Có thể xuất hiện những đốm sậm màu hơn,
- Quầng ngực lan rộng.
Vùng sậm màu này có thể nhạt dần đi nhưng không biến mất hoàn toàn sau khi sinh. Mẹ cũng sẽ thấy xuất hiện những cục lổn nhổn nhỏ trên quầng ngực mà thực ra là những tuyến bôi trơn. Những cục lổn nhổn này sẽ nổi rõ dần lên trong suốt thai kì và trở về bình thường sau khi sinh.
3. Đường tĩnh mạch màu xanh chằng chịt
Ở một số mẹ xuất hiện những tĩnh mạch màu xanh chằng chịt trên bề mặt ngực để vận chuyển chất dinh dưỡng và dịch để cung cấp cho em bé sau này. Hiện tượng này thấy rõ hơn ở những mẹ có làn da sáng màu, và có thể khó thấy hơn ở những mẹ da đậm màu hơn.
Sau khi sinh hoặc nếu mẹ cho con bú, thì đôi khi sau khi cai sữa, màu sắc da của ngực sẽ trở về bình thường.
4. Cảm giác căng đau tức ngực khi mang thai
Khi kích thước ngực to lên, thời gian đầu mẹ bầu sẽ cảm thấy căng, tức, đau. Điều may mắn là việc thay đổi kích thước không gây đau kéo dài (hoặc cảm giác khó chịu trong thời gian dài).
Dù ngực có thể to lên nữa trong suốt chín tháng thai kì, nhưng sẽ không còn cảm giác căng tức khi chạm vào như tháng mang thai thứ 3, thứ 4. Một số thai phụ sẽ hết căng tức ngực vào trước khoảng thời gian này.
Nếu cảm thấy ngực căng đau ngực khi mang thai, mẹ có thể chườm ấm hoặc chườm nóng ngực miễn cảm thấy dễ chịu là được.
5. Ngực chảy xệ và cách khắc phục
Ngực chảy xệ khi mang thai hay không thì phần nhiều phụ thuộc vào khả năng di truyền. Tức là nếu bà ngoại bị ngực xệ, thì mẹ cũng có khả năng bị tương tự, nhưng cũng tùy theo từng trường hợp.
Ngực xệ không phải hoàn toàn do thai kì mà còn do mẹ thiếu nâng đỡ ngực trong suốt quá trình mang thai. Cho dù bây giờ ngực của mẹ có săn chắc đến đâu thì cũng nên bảo vệ bộ ngực bằng cách mang áo nâng ngực hay áo ngực cho bà bầu (mặc dù trong giai đọan 3 tháng đầu, cảm giác căng tức ngực khi mang thai sẽ làm cho mẹ muốn tránh sự chèn ép của áo ngực).
Nếu ngực của mẹ tương đối lớn hay có xu hướng chảy xệ, tốt nhất mẹ nên mặc áo lót kể cả ban đêm.
Cách khắc phục: Mẹ có thể sử dụng áo lót thể thao bằng cotton để có cảm giác thoải mái trong khi ngủ. Mẹ hãy đến những cửa hàng chuyên dụng để được đo kích thước của ngực và lựa chọn áo ngực cho bà bầu phù hợp nhất.
Một chiếc áo ngực được đánh giá là vừa vặn nếu:
- Không quá chật hoặc quá lỏng, ngực vừa vặn với áo, ôm vừa toàn bộ ngực và không có bất kì khoảng trống nào ở phía trên, phía dưới hay hai bên.
- Dây áo nâng ngực ở phía sau lưng và không bắt chéo. Đai áo ngực cho bà bầu ở vùng vai không nên chịu hết sức nặng của vùng ngực mà phải nằm ở vị trí sao cho: khi mẹ đưa tay lên trên đầu, đai áo vừa với cơ thể, không quá chật. Đai áo ôm từ sau lưng ra trước, ở phía trước và sau ngang thành một đường thẳng.
Giải đáp thắc mắc quanh vấn đề sự thay đổi của ngực khi mang thai?
Vậy sự thay đổi ngực khi mang thai của các mẹ là giống hay khác?
Không phải tất cả các phụ nữ đều thấy được những thay đổi của ngực khi mang thai trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Một số mẹ bầu chỉ cảm nhận sự gia tăng kích thước dần dần mà khó nhận biết bằng mắt thường.
Mẹ đừng lo lắng nhé, khi ngực tăng kích thước chậm hay ít mẹ không cần phải thay đổi áo lót quá thường xuyên. Ngực to hay nhỏ cũng không ảnh hưởng gì đến khả năng cho con bú sau này của mẹ đâu.
Ngực to lên nhiều trong lần mang thai đầu nhưng thay đổi rất ít trong những lần mang thai sau, điều này có bình thường không?
Điều này là hoàn toàn bình thường. Lần mang thai trước, ngực của mẹ có những thay đổi lần đầu tiên với thai kì. Lần mang thai tiếp theo, cơ thể mẹ đã có sẵn những thích ứng với sự thay đổi đó. Kết quả là, cơ thể mẹ không cần có sự chuẩn bị hay phản ứng quá nhiều với sự gia tăng của hoóc môn như lần mang thai đầu tiên.
Mẹ có thể nhận thấy rằng, ngực khi mang thai to dần lên cùng với sự phát triển của thai nhi và chỉ ngừng lại sau khi sinh – khi mà sự tạo sữa bắt đầu. Dù sao thì sự phát triển chậm của ngực trong những lần mang thai sau là hoàn toàn bình thường và nó chỉ biểu thị một điều những lần mang thai ở phụ nữ là khác nhau.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 136-137.
- Breast changes during and after pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/ipgmedia/National/Breast%20Cancer%20Care/assets/BreastchangesduringandafterpregnancyBCC22pages.pdf>. [Ngày 30 tháng 11 năm 2015]