Để giúp trẻ tự tin hơn, cha mẹ cần thông cảm, sẻ chia và thấu hiểu con cái. Tham khảo 5 định hướng bên dưới để giúp con xây dựng sự tự tin ở tuổi thanh thiếu niên và đối phó với các tình huống trong cuộc sống.
1. Hãy hào phóng lời khen với trẻ
Cha mẹ nên khen ngợi trẻ không chỉ vì các thành tích trẻ đạt được mà còn vì những nỗ lực mà trẻ đã bỏ ra – ngay cả những khi trẻ không đạt được kết quả như mong muốn. Thêm vào đó, hãy khuyến khích trẻ cảm thấy tự hào về bản thân. Niềm tự hào nên xuất phát từ chính bên trong bản thân trẻ, khi làm tốt việc gì đó, không phải chỉ do được khen ngợi, được công nhận bởi những người xung quanh.
Những trẻ thiếu tự tin có thể khó chấp nhận lời khen ngợi. Nếu con bạn nằm trong trường hợp này thì bạn chỉ nên khen một cách có chừng mực, đừng khen vô tội vạ, sẽ khiến các lời khen nghe không chân thành. Trẻ sẽ nhận ra cha mẹ chỉ làm vậy để trẻ cảm thấy vui. Việc này có thể mang lại tác dụng ngược.
2. Phê bình khi cần nhưng mang tính chất xây dựng
Việc phê bình và góp ý là điều cần thiết tuy nhiên không nên theo cách có thể gây tổn thương hay hạ thấp trẻ.
Thay vì nói “Sao con lại làm sai câu này trong bài kiểm tra?”, thì bạn nên nói rằng “Con làm câu này gần đúng rồi. Mẹ nghĩ nếu chăm học thêm chút nữa thì chắc chắn con sẽ làm tốt hơn vào lần tới đấy”.
Khi cần phải góp ý hay điều chỉnh hành vi của trẻ, bạn nên:
- Chỉ rõ ra lỗi sai của trẻ.
- Giải thích lý do tại sao bạn không muốn trẻ hành động như vậy.
- Cho trẻ biết những điều mà bạn mong trẻ làm.
Giúp trẻ tự tin hơn bằng cách góp ý khéo léo
Đôi khi việc góp ý không khéo sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ, đồng thời gửi đi thông điệp sai làm giảm sự tự tin của trẻ.
Thay vì nói: “Mẹ đã dặn con không được làm như vậy. Vì sao lúc nào con cũng làm mẹ tức điên lên vậy?”, bạn hãy nói rằng: “Con đừng đi chơi khuya quá vì mẹ sẽ rất lo cho con. Con cần về nhà đúng giờ và nếu có bất cứ việc gì khẩn cấp phải về trễ thì phải báo cho mẹ biết, được chứ?”. Tất nhiên trẻ sẽ thích nghe câu nói thứ hai hơn vì nó thể hiện sự quan tâm lo lắng của cha mẹ đối với trẻ, đồng thời trẻ cũng ngầm hiểu được “nghĩa vụ” mình cần phải làm.
3. Hãy hỏi ý kiến, quan điểm của trẻ
Trẻ vị thành niên cũng có những suy nghĩ và quan điểm riêng. Hãy để trẻ tham gia vào các công việc của gia đình và thực hiện một số đề xuất của trẻ. Ví dụ, có thể hỏi trẻ nghĩ gì về chiếc ghế phòng khách bạn đang định mua, rèm cửa màu gì thì phù hợp. Trẻ ở tuổi này rất muốn được đối xử như người lớn và thường lấy làm hãnh diện khi được cha mẹ cho tham gia vào thế giới của người lớn.
Nếu bạn muốn mua một chiếc tivi màn hình rộng để cả nhà cùng xem đá bóng, hãy để con bạn lựa chọn. Trẻ sẽ rất thích thú khi được tự quyết định hoặc gợi ý các loại tivi cho cha mẹ tham khảo. Bạn có thể bất ngờ khi thấy con mình đã tìm hiểu kỹ về các loại tivi như thế nào. Đây cũng là một cách để bạn tạo điều kiện cho con tự học hỏi, khám phá bản thân và trưởng thành hơn.
4. Khuyến khích trẻ rèn luyện và trau dồi khả năng cũng như sở thích
Mỗi người đều có khả năng nổi trội ở một lĩnh vực nào đó. Chẳng hạn, con bạn có thể không có hứng thú với âm nhạc nhưng lại chơi thể thao rất tốt. Hãy để trẻ theo đuổi niềm đam mê dù đó là gì đi chăng nữa. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng niềm đam mê đó là phù phiếm thì nó cũng có thể đem lại cơ hội để thành công và cũng là một cách thể hiện với bạn bè cùng trang lứa mang tính chất an toàn.
Khuyến khích trẻ rèn luyện, trau dồi khả năng cũng như sở thích để giúp trẻ tự tin hơn
Hãy ủng hộ sở thích của trẻ, miễn là nó không làm ảnh hưởng đến những việc khác quan trọng hơn (ví dụ như việc học ở trường). Cha mẹ không nên chỉ luôn nói không, đôi khi bạn cần để trẻ làm theo sở thích, giúp trẻ tìm được những cách tích cực để xây dựng sự tự tin cũng như khám phá tiềm năng và giá trị của bản thân. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động giúp trẻ thu được các kỹ năng có giá trị như giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng thuyết phục; đồng thời tránh dẫn đến việc thực hiện các hành động mạo hiểm khác nhằm được bạn bè công nhận.
Những đam mê của trẻ vị thành niên đôi khi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Vì vậy, bạn có thể phải trì hoãn việc mua các trang thiết bị đắt tiền hoặc các đầu tư tốn kém (như mua đàn piano, thuê người dạy kèm…) cho đến khi trẻ cho thấy ý định nghiêm túc muốn theo đuổi đam mê của mình.
Trẻ ở độ tuổi vị thành niên không chỉ muốn khẳng định bản thân với gia đình mà còn muốn được xã hội công nhận. Một cách để trẻ cảm thấy bản thân có giá trị là khi trẻ biết bản thân mình có ích và có ý nghĩa với xã hội. Khi tham gia các hoạt động cộng đồng, việc nhận được những phản hồi tích cực sẽ làm cho trẻ có suy nghĩ tốt về bản thân và cũng là cách tốt để củng cố sự tự tin của trẻ.
5. Hãy để con có trách nhiệm
Cha mẹ thường cố làm tất cả mọi việc thay cho con và không cho trẻ đụng tay vào bất cứ việc gì vì cho rằng trẻ sẽ không làm tốt việc được giao. Và sau đó, chúng ta lại than phiền rằng con mình lười biếng và chẳng giúp cha mẹ làm việc gì.
Những năm tháng tuổi vị thành niên là khoảng thời gian trẻ chuẩn bị để bước vào giai đoạn trưởng thành – vì vậy, trẻ cần được học cách nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa,… Điều này không có nghĩa trẻ phải luôn làm tất cả mọi việc, nhưng hãy để trẻ học và cải thiện các kỹ năng dần dần bằng cách thực hành. Giao việc nhà cho trẻ làm còn có tác dụng gửi thông điệp đến trẻ rằng “con là một người có năng lực” – một trong những yếu tố nền móng để xây dựng sự tự tin ở trẻ. Trẻ cũng sẽ biết rằng mình là một người quan trọng và có gì đó để đóng góp cho gia đình. Việc thấy được mình có ích và cần thiết là một cách công hiệu để có cảm nhận tốt về bản thân.
Phương pháp này sẽ góp phần định hướng và xây dựng sự tự tin cho con của bạn và giúp con luôn sẵn sàng đối phó với các tình huống trong cuộc sống. Hãy là người cha, người mẹ luôn biết cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu con cái.
- Build your teenager’s self-esteem. Đọc thêm tại: <http://www.helpme2parent.ie/BuildSelf-Esteem.html>. [ngày 02 tháng 1 năm 2014]
- Ways to build your teenager’s self-esteem. Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and Philip Bashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA