Khi mang thai tháng thứ 8, bụng mẹ hẳn đã rất to khiến mẹ trông khá nặng nề và mệt mỏi. Chúng mình cùng tìm hiểu những thay đổi khi mang thai tháng thứ 8 của mẹ bầu qua bài viết này nhé!
Phấn khích chờ đợi “bé yêu chào đời” khi mang thai tháng thứ 8
Ở tháng kế cuối thai kỳ này, hẳn mẹ đang thích thú với từng khoảnh khắc mang thai, hoặc cũng có khi đang phải chịu đựng sự mệt mỏi vì bụng càng ngày càng bự lên. Dù thế nào đi nữa thì mẹ chắc chắn đang rất lo lắng kèm theo sự phấn khích cực độ, vì chờ đợi một sự kiện: bé con của mẹ sắp chào đời.
Tất nhiên, cùng với cảm giác phấn khích, mẹ và ông xã chắc cũng đang trải qua những giây phút thực sự bối rối (vì bé sắp chào đời), nhất là với những cặp lần đầu được làm cha mẹ. Những cảm xúc này là rất đỗi bình thường, mẹ và ông xã nên quan tâm đến những thay đổi khi mang thai tháng thứ 8 của mẹ bầu để không phải bỡ ngỡ khi có những biểu hiện lạ. Hãy khai thác những thông tin và cái nhìn sâu sắc từ những người mẹ hay người thân – những người đã làm cha mẹ – để bản thân mình nhận ra rằng, những điều nói trên ai cũng từng trải qua cả, nhất là lần đầu có con.
Những thay đổi khi mẹ mang thai tháng thứ 8
Dưới đây là một số triệu chứng mẹ có thể gặp khi mang thai tháng thứ 8, hoặc có thể mẹ đã gặp từ tháng trước, hoặc có những triệu chứng mẹ khó có thể nhận thấy vì có lẽ mẹ đã quen với chúng.
Về mặt cơ thể:
- Thai nhi cử động mạnh và đều đặn
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Táo bón
- Ợ nóng, ăn khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng
- Thỉnh thoảng đau đầu, uể oải, chóng mặt
- Nghẹt mũi và đôi khi bị chảy máu cam, nghẹt tai
- Nướu nhạy cảm mà có thể chảy máu khi đánh răng
- Chuột rút chân
- Đau lưng
- Tăng áp lực trong khung chậu và/hoặc bị đau nhức.
- Sưng nhẹ mắt cá chân và bàn chân, và đôi khi sưng bàn tay và mặt
- Giãn tĩnh mạch ở chân
- Trĩ
- Ngứa bụng
- Lồi rốn
- Rạn da
- Khó thở hơn do tử cung to lên chèn tới phổi và thấy dễ chịu hơn khi bé quay đầu xuống vùng chậu.
- Khó ngủ
- Các cơn co thắt Braxton-Hicks tăng dần
- Càng lóng ngóng, vụng về hơn
- Vú to ra
- Sữa non bị rỉ từ núm vú (mặc dù chất tiền sữa này có thể không xuất hiện cho đến sau khi sinh).
Chú thích: Cơn co thắt Braxton-Hicks là những cơn co thắt nhẹ nhàng tập cho mẹ làm quen với việc chuyển dạ thực sự – một sự kiện lớn sắp xảy ra. Nếu như mẹ thấy chúng xuất hiện nhiều hơn 4 cơn trong vòng một giờ, hoặc cường độ tăng dần, hoặc thấy có bất kỳ tình trạng sưng phù hay xuất huyết gì kèm theo, thì mẹ nên đến gặp bác sĩ ngay.
Về mặt cảm xúc
- Tăng sự mong chờ sớm sinh con để chấm dứt thai kỳ
- Sợ hãi khi nghĩ đến việc chuyển dạ và sinh con
- Tăng sự lơ đễnh, đãng trí
- Bối rối khi nghĩ mình sắp được làm cha mẹ, nhất là sinh con đầu lòng
- Phấn khởi khi nhận ra rằng không còn bao lâu nữa mình sẽ sinh con
Những kiểm tra khi mang thai tháng thứ 8
Sau tuần thứ 32, mẹ nên đi khám thai mỗi 2 tuần một lần để đảm bảo thai kỳ của mẹ được theo dõi kĩ hơn. Để biết rõ tình trạng sức khỏe, cũng như những thay đổi khi mang thai tháng thứ 8 của mẹ và bé, bác sĩ có thể thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm sau:
- Trọng lượng và huyết áp
- Thử đường và protein trong nước tiểu
- Nhịp tim của thai nhi
- Khoảng cách từ xương mu đến đỉnh của tử cung
- Kích thước (mẹ có thễ sẽ được đánh giá trọng lượng thô) và vị trí của ngôi thai thông qua việc sờ nắn (cảm nhận từ khám bên ngoài)
- Kiểm tra độ phù ở bàn chân và bàn tay, kiểm tra mức độ giãn tĩnh mạch chân
- Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B
- Kiểm tra các triệu chứng mẹ gặp phải, đặc biệt là những triệu chứng không bình thường
- Trả lời các câu hỏi và vấn đề mà mẹ muốn thảo luận – mẹ nên lên sẵn một danh sách để việc thảo luận diễn ra dễ dàng hơn.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 309-311
- Healthy tips for your eighth month of pregnency. Đọc thêm tại: <http://mom.me/parenting/5356-healthy-tips-your-8th-month-pregnancy/?p=2>. [Ngày 24 tháng 08 năm 2015]