Những thay đổi về tâm lý ở tuổi dậy thì được thể hiện rõ ở trẻ. Đôi khi cha mẹ thấy trẻ trở nên bốc đồng, hay tranh cãi với mình… Những điều này nằm trong quá trình phát triển của trẻ. Cha mẹ cần biết những thay đổi về tâm lý tuổi dậy thì của con để có cách dạy con phù hợp nhé.
Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi rõ rệt về mặt sinh học và đến giai đoạn giữa của tuổi vị thành niên (khoảng từ 15 – 17 tuổi), phần lớn trẻ đã phát triển hoàn toàn về mặt sinh lý, chiều cao và cân nặng có thể đạt hoặc gần đạt tới chiều cao và cân nặng của người lớn. Ngoài sự thay đổi rõ rệt về thể chất, những thay đổi về tâm lý ở tuổi dậy thì của trẻ cũng được biểu hiện rõ. Đó là những thay đổi nào, cha mẹ cùng tìm hiểu ngay sau đây để có cách cư xử và dạy con phù hợp nhé.
Phát triển trí tuệ
Hầu hết trẻ khi mới bước vào tuổi vị thành niên vẫn còn nhìn nhận thế giới xung quanh một cách rất chủ quan, theo hướng một chiều đúng hoặc sai, xấu hay đẹp. Rất hiếm khi trẻ có cái nhìn xa hơn hiện tại, vì thế mà những trẻ mới bước vào độ tuổi vị thành niên không có khả năng lường trước được những hậu quả lâu dài trong hành động của mình.
Trẻ ở giai đoạn cuối tuổi vị thành niên đã có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp hơn, có thể cảm nhận được một cách tinh tế những điều mà người khác đang suy nghĩ. Tuy nhiên trẻ vẫn còn thiếu một số kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống, thậm chí trẻ còn có xu hướng áp dụng những kỹ năng mới một cách thất thường, do đó thường dẫn đến hành động bốc đồng.
Phát triển cảm xúc
Những thay đổi về tâm lý ở tuổi dậy thì, đặc biệt về mặt cảm xúc, được thể hiện rõ ở trẻ. Thanh thiếu niên rất muốn có sự độc lập, nhu cầu này khiến trẻ càng muốn rời xa vòng tay của cha mẹ. Trẻ sẽ thể hiện sự độc lập của mình qua nhiều cách khác nhau chẳng hạn như: ít thể hiện cảm xúc hơn trước, dành nhiều thời gian với bạn bè hơn, hay tranh cãi với người lớn, vượt quá những giới hạn cho phép… và cách thể hiện này sẽ khác nhau giữa các giai đoạn phát triển của trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, bên cạnh mong muốn độc lập, trẻ lại thường cảm thấy mâu thuẫn khi rời xa môi trường bảo bọc an toàn của gia đình mình.
Phát triển về mặt xã hội
Cuộc sống của một đứa trẻ chủ yếu xoay quanh gia đình, đến khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, trẻ có thể phát triển các mối quan hệ xung quanh mình nhiều hơn, như tình bạn cùng giới, khác giới, các nhóm xã hội và sắc tộc khác nhau…và cuối cùng là các mối quan hệ lãng mạn trong tình yêu.
Tuy nhiên, không phải tất cả thanh thiếu niên đều đi vào và bước ra khỏi tuổi vị thành niên ở cùng một độ tuổi hoặc thể hiện những hành vi như nhau. Ở mỗi trẻ, sự phát triển cũng không đồng đều, có thể phát triển ở phần này nhưng lại chưa hoàn thiện ở phần khác. Ví dụ, bé gái 15 tuổi có thể có thân hình phổng phao như một thiếu nữ, nhưng vẫn hành động như trẻ con, vì không phải lúc nào sự phát triển về trí tuệ và cảm xúc cũng bắt kịp sự phát triển về thể chất. Vì vậy, cha mẹ cần biết những thay đổi về tâm lý tuổi dậy thì của con để có cách dạy con phù hợp nhé.
- The stages and goals of adolescence. Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and philip Bashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA
- Young teens (12-14 years of age). Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/ncbddd/childdevelopment/positiveparenting/adolescence.html>. [Ngày 26 tháng 12 năm 2014].
- Teenagers ( 15-17 years of age). Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/ncbddd/childdevelopment/positiveparenting/adolescence2.html>. [Ngày 26 tháng 12 năm 2014]