Những xáo trộn trong gia đình có thể ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của trẻ và gây căng thẳng cho mọi thành viên trong gia đình. Dưới đây là một số sự việc và tình huống phổ biến nhất có thể can thiệp vào nhịp sống bình thường của gia đình.
Bệnh tật và chấn thương
Cho dù người bị bệnh/ chấn thương là cha mẹ hay con cái, cả gia đình đều bị ảnh hưởng. Trong khi một cơn bệnh ngắn như cảm cúm có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của gia đình, thì một bệnh kinh niên (ung thư hoặc động kinh) có thể gây sự xáo trộn dài hạn hoặc vĩnh viễn cho cuộc sống gia đình.
Đối với trẻ nhỏ đang trong độ tuổi đến trường, phản ứng của trẻ đối với bệnh tật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm bản chất của căn bệnh (mức nghiêm trọng, diễn tiến bệnh và cách điều trị), những kinh nghiệm trước đây của trẻ đối với các căn bệnh, khả năng đối phó của trẻ, và sự hỗ trợ trẻ nhận được từ gia đình.
Còn với cha mẹ, cha mẹ cần làm một số việc để thích nghi với bệnh tật. Với bệnh ngắn ngày, cha mẹ có thể cảm thấy căng thẳng và khó chịu cho đến khi bệnh tình khỏi hẳn. Với một căn bệnh kinh niên, có thể cha mẹ sẽ có những phản ứng nghiêm trọng hơn, như cảm thấy có lỗi, sợ hãi, tức giận, bất lực và vô vọng. Cha mẹ cần phải dành thời gian cho việc điều trị cũng như gặp bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác để nghe tư vấn. Cha mẹ sẽ cần tìm hiểu càng nhiều càng tốt về căn bệnh và cách chăm sóc.
Ngoài ra, với một bệnh kinh niên hay bệnh kéo dài, cha mẹ cần trấn an trẻ. Giải thích căn bệnh một cách trung thực và đầy đủ nhất có thể, và cho con biết kết quả đáng mong đợi sau khi điều trị và chữa bệnh.
Hãy thực tế và đừng hứa những điều không thể thực hiện. Cha mẹ hãy động viên trẻ bày tỏ cảm xúc của mình, không chỉ riêng đối với cha mẹ, mà còn với cả bác sĩ. Cha mẹ cũng có thể tham khảo từ bạn bè và giáo viên cách đề cập về căn bệnh với trẻ. Nếu như trẻ phản ứng quá mạnh hoặc cư xử kỳ lạ, có thể trẻ sẽ cần được tư vấn tâm lý.
Trẻ bị bệnh có thể gây xáo trộn trong gia đình
Cha mẹ có vấn đề về tinh thần hoặc lạm dụng chất gây nghiện
Trong gia đình, nếu cha hoặc mẹ đang bị trầm cảm hoặc có một bệnh về tâm thần hoặc cảm xúc khác, con cái sẽ phát triển theo một cách khác biệt so với các bạn đồng trang lứa. Trầm cảm ở cha mẹ ảnh hưởng đến tất cả các thành viên gia đình, đến màu sắc các mối quan hệ giữa mọi người với nhau và với những người ngoài gia đình.
Cha mẹ bị trầm cảm có xu hướng biểu hiện một tinh thần kém tích cực trong tương tác với mọi người trong gia đình. Họ thường phản ứng chậm hơn hoặc phản ứng không phù hợp với những nhu cầu tình cảm của con. Họ cũng có xu hướng kiểm soát và ép buộc trong các vấn đề liên quan đến con cái, chứ không thảo luận và thương lượng với trẻ.
Nhiều trẻ có cha mẹ bị trầm cảm sẽ cảm thấy mình bị chối bỏ và kém phát triển lòng tự trọng. Trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan tới bạn bè trang lứa và từ đó ít tham gia các hoạt động xã hội. Những trẻ này thường cần sự giúp đỡ từ những người lớn thân thiết bên ngoài gia đình và từ những chuyên gia tư vấn tâm lý để giúp đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống gia đình của trẻ.
Những trẻ có cha mẹ nghiện rượu bia và chất kích thích cũng gặp vấn đề tương tự. Mặc dù mỗi gia đình mỗi khác, nhưng những trẻ này thường lớn lên với những kinh nghiệm sống tiêu cực, có ít khái niệm về sự yêu thương và kém cởi mở trong giao tiếp. Việc uống nhiều rượu bia cũng góp phần lớn vào vấn đề trầm cảm của cha mẹ, bạo hành gia đình và các vấn đề hôn nhân.
Tham gia tích cực vào các hoạt động trường học và hoạt động ngoại khóa có thể giúp những trẻ này dần có được thành công và hạnh phúc. Trong khi đó, cha mẹ cần tìm đến sự tư vấn của chuyên gia để chữa trị các vấn đề nghiện rượu và chất kích thích của mình.
Tranh cãi và xung đột
Những tranh chấp giữa cha mẹ và con cái là không thể tránh khỏi trong cuộc sống gia đình. Nếu gia đình chưa từng có những cuộc tranh cãi, điều đó có nghĩa là có nhiều vấn đề đang bị lảng tránh.
Để trưởng thành thực thụ, trẻ cần được có quyền nêu lên ý kiến của mình (cho dù đó là ý kiến đối lập với cha mẹ) và cảm thấy ý kiến của mình được ghi nhận nghiêm túc. Cho dù là như vậy, cha mẹ vẫn nên giữ những tác động tiêu cực của các cuộc tranh cãi ở mức thấp nhất dựa vào các hướng dẫn dưới đây:
Cân nhắc chọn lựa những vấn đề nào cần tranh luận. Khi một vấn đề nảy sinh, cha mẹ hãy quyết định có cần thiết phải đem ra tranh luận hay không, vì sẽ có một vài vấn đề thực sự không cần thiết.
Ví dụ, nếu trẻ muốn mang đôi giày cũ đi học chứ không mang đôi giày cha mẹ mới mua cho, hoặc nếu trẻ muốn để tóc dài hơn so với ý muốn của cha mẹ, cha mẹ nên theo ý của trẻ, và chọn cách quan sát phòng khi những vấn đề nghiêm trọng hơn nảy sinh. Cân nhắc cẩn thận những tranh cãi nào cần tham gia.
Cha mẹ cần cân nhắc những vấn đề cần tranh luận
Miễn là những tranh cãi nằm trong vòng kiểm soát. Chúng được coi là một cách để giao tiếp hiệu quả và chấp nhận được. Những tranh cãi như vậy có thể vẫn tiếp diễn miễn là kiểm soát được, trên tinh thần tôn trọng nhau và giải quyết được vấn đề.
Nhưng cha mẹ hãy dừng lại nếu những tranh cãi đi đến mức độ gọi nhau bằng tên, giọng nói từ bình tĩnh thành quát tháo, hoặc cha mẹ và trẻ đi chệch hướng khỏi việc giải quyết vấn đề. Cha mẹ hãy nhớ là đừng bao giờ cười nhạo trẻ, cho dù những lời tranh cãi của trẻ có buồn cười thế nào; vì cười trẻ có nghĩa cha mẹ đang chế nhạo trẻ và những gì trẻ đang nói.
Đôi lúc hãy nhượng bộ trẻ. Khi cha mẹ và con cái tranh cãi, cha mẹ cần làm nhiều hơn là việc lắng nghe quan điểm của trẻ; khi trẻ lý giải một cách thuyết phục, cha mẹ cần sẵn sàng câu nói “Con đã thuyết phục được cha mẹ. Chúng ta sẽ cùng làm theo cách của con.”
Hãy để trẻ biết rằng cha mẹ trân trọng quan điểm của trẻ, và rằng những mâu thuẫn đều có thể giải quyết bằng việc trao đổi với nhau, và trẻ có thể chiến thắng.
Nếu xung đột về một vấn đề cụ thể cứ lặp đi lặp lại, cha mẹ hãy tìm hiểu các nguyên nhân gốc rễ. Suy nghĩ kỹ càng về lý do tại sao cha mẹ và con đang tranh cãi về những vấn đề này, cố gắng thực hiện một số hành động phòng ngừa.
Ví dụ, nếu trẻ chống lại việc đi ngủ mỗi đêm, trẻ có thể bộc phát cơn giận để tìm cách thức khuya lâu hơn một chút, hoặc để nhận được nhiều sự chú ý hơn. Hoặc nếu trẻ nhiều lần tranh luận về việc làm bài tập nhà, cố gắng chấm dứt những xung đột bằng việc viết ra một thỏa thuận, quy định những kỳ vọng, trách nhiệm, thưởng và phạt cho việc có làm và không làm bài tập.
Hãy nhớ rằng bài tập về nhà là do các giáo viên giao và việc làm là trách nhiệm của trẻ. Trẻ có thể không làm bài tập theo cách cha mẹ muốn, nhưng nếu trẻ vẫn thỏa mãn yêu cầu của trường, cha mẹ không nên biến việc đó trở thành vấn đề. Cả cha mẹ và con cái cần phải ký hợp đồng, tuân theo nó, và (hy vọng) có thể kết thúc những tranh cãi về chủ đề này.
Đừng quên trẻ có thể học cách dàn xếp tranh cãi từ việc quan sát cách làm của cha mẹ. Hãy cẩn thận khi cha mẹ có những cuộc tranh cãi “tích cực”, kết thúc trong không khí hòa giải thành công, hay khi cha mẹ tỏ ra giận dữ hoặc né tránh tranh cãi, vì trẻ sẽ học cách dàn xếp tranh cãi từ việc quan sát cách làm của cha mẹ đấy.
Những bất hòa trong gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ
Xa cách và đoàn tụ
Cha hoặc mẹ có thường xuyên đi công tác không? Đây có thể là những khoảng thời gian xa cách đối với trẻ lẫn gia đình. Để hạn chế các vấn đề nảy sinh, cha mẹ hãy chuẩn bị cho trẻ đối mặt với những chuyến công tác thường xuyên này. Dành thời gian nhiều trong khả năng để giải thích cho trẻ hiểu cha mẹ đi đâu và vì sao lại đi.
Trẻ có thể sẽ cảm thấy buồn, lo lắng, giận dữ trước và trong suốt chuyến công tác của cha mẹ. Cha mẹ cần biết và hiểu cảm giác của trẻ. Ngoài việc trẻ mong nhớ cha mẹ, trẻ còn cảm thấy bất tiện, không được bao vệ, không an toàn, hoặc lo lắng về cuộc sống của trẻ và cha mẹ trong suốt thời gian cha mẹ vắng nhà.
Để trẻ cảm thấy yên tâm hơn, cha mẹ hãy nhắc nhở con rằng cha mẹ sẽ sớm trở về thôi. Và trong khi cha mẹ đi vắng, hãy cố gắng duy trì liên lạc với con bằng điện thoại (mỗi ngày nếu có thể), cũng như bằng thư từ, bưu thiếp. Và hãy biến việc trở về trở nên đặc biệt, dành nhiều thời gian bên con và làm cùng nhau những việc trẻ thích.
Những biến cố không mong đợi
Điều gì sẽ xảy ra khi đột nhiên bạn mất việc? Hoặc khi cuộc sống gia đình gặp khó khăn về tài chính? Những xáo trộn này có thể gây bất ổn cho trẻ, đặc biệt là khi cha mẹ không trung thực với trẻ và không giúp trẻ đối mặt với hoàn cảnh.
Tài chính là vấn đề gây xáo trộn trong gia đình
Ví dụ, nếu cuộc sống gia đình đang gặp khó khăn tài chính, trẻ không cần phải biết hết chi tiết, nhưng, trẻ cần được giải thích lý do vì sao trẻ không còn được tham gia trại hè mà năm ngoái trẻ đã tham gia, hoặc tại sao bạn không mua cho cho trẻ đúng đôi giày trẻ thích. Trẻ cần biết rằng: “Mẹ mất việc rồi, do đó gia đình mình cần phải tiết kiệm chi tiêu cho đến khi mẹ có công việc khác.”
Trẻ cũng có thể lo lắng về những xáo trộn trong gia đình họ hàng, ví dụ, khi nghe tin dì và dượng sắp ly hôn. Đừng ngạc nhiên khi trẻ hỏi chuyện gì đã xảy ra và chuyện gì sẽ xảy ra cho mối quan hệ của trẻ với anh chị em họ. Trẻ có thể cũng sẽ hỏi: “Cha và mẹ cũng sẽ ly hôn phải không?”
Không phải là quyết định sáng suốt khi cha mẹ giấu trẻ về những vấn đề xảy trong gia đình. Lưu ý rằng nếu trẻ thấy cha mẹ trở nên lo âu mà không rõ nguyên do, trẻ có thể suy diễn sai hướng rằng cha mẹ đang buồn bực về trẻ.
Do đó, cha mẹ hãy cởi mở giao tiếp với trẻ, động viên trẻ nói ra suy nghĩ của mình và giải thích cho trẻ hiểu rằng cha mẹ đang cố gắng để đưa mọi việc trở lại như cũ. Và xác định một lần nữa tầm quan trọng và sự ổn định của gia đình: “Cho dù mẹ có mất việc, chúng ta vẫn bên nhau như một gia đình và mọi việc rồi sẽ ổn con ạ”.
- Family disruptions and childhood happiness. Đọc thêm tại: <http://www.sfu.ca/cmns/faculty/kline_s/320/2010Summer/Resources/disruptionfamshappy.pdf>. [Ngày 27 tháng 9 năm 2015].
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for your school-age child: ages 5 to12. Bantam Books. Trang 335 – 341.