Cố níu giữ hay buông tay khi tình cảm vợ chồng phai nhạt, khi hôn nhân tan vỡ, là một quyết định không hề dễ dàng. Buông tay để có thể bắt đầu lại (nếu có thể) một cách nhẹ nhàng, thoải mái vì không phải chịu đựng nhau hàng ngày, không phải bắt đầu một ngày mới từ trong vụn vỡ.
“Mới qua, đã tàn
Tình ngọt ngào sao trốn ta đi
Có khi, còn thương nhau
Mà cuộc đời huyên náo xô lấn vào
Một đêm kia em nhìn ra tàn phai môi cười
Là tình tan vỡ còn ta không khóc được”
Tôi đã nghe đi nghe lại bài hát này rất nhiều lần và ngẫm chuyện mình, chuyện người.
Hôn nhân, thật ra, chỉ là một giai đoạn khác của tình yêu chứ không phải thứ có thể ràng buộc hai con người với nhau mãi mãi. Nhưng khi tình cảm vợ chồng phai nhạt, khi hôn nhân bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt thì việc níu kéo hay buông tay đều khiến cho người trong cuộc cảm thấy đau buồn và là quyết định chẳng dễ dàng gì.
Cứ mỗi khi nhìn ánh mắt trẻ thơ của con, tôi lại thấy không nỡ cướp đi của chúng cái gọi là gia đình trọn vẹn. Để rồi mỗi ngày trôi qua trong mỏi mệt, không niềm vui, không tiếng cười, thậm chí cả 2 chúng tôi cứ dùng sự vô tình sắc nhọn cứa vào lòng nhau, đau nhói.
Càng ngày, tôi càng nhận ra, cái mình đang níu giữ không phải là hạnh phúc, tôi và chồng chỉ đang giữ lại cái tôi đầy kiêu hãnh, chứng tỏ với những người khác là gia đình tôi vẫn đang hạnh phúc, để bố mẹ gia đình hai bên không phải đau lòng nhìn cảnh cháu con tan đàn xẻ nghé. Nhưng sau những khoảnh khắc hạnh phúc giả tạo ấy, chúng tôi trở về nhà, đối diện với sự cô độc trong tâm hồn, hụt hẫng và trống rỗng đến vô cùng.
Tôi biết, rất nhiều gia đình biết mình đang sống với nhau như vậy. Chồng lặng lẽ với công việc của chồng. Vợ lầm lũi đi vào đi ra và chăm con. Cuộc sống chẳng vui cũng chẳng buồn, chẳng hồng chẳng đen, chỉ một màu xám nhờ nhờ. Một bức tường vô hình được dựng thẳng đứng giữa giường ngủ của hai vợ chồng mà ở bờ bên nào cũng nhiều thổn thức, suy tư, nước mắt…
Chính cái cảnh không tìm ra lối thoát ấy khiến người chồng có nhiều lý do hơn để ra khỏi nhà, để không phải nhìn khuôn mặt dửng dưng của vợ khi chạm tay vào cánh cửa nhà. Người vợ ở nhà, muốn biết chồng đi đâu nhưng lại không dám hỏi. Rồi dần dần, sự quan tâm nhỏ nhoi, sự tò mò ấy cũng không còn. Vợ dần chuyển toàn bộ tình yêu và sự quan tâm sang những đứa con. Thấy chồng chỉ còn như nhìn một chiếc bóng lướt qua bức tường trước mặt. Chồng thành vô hình, vợ cũng thành vô hình… trong mắt nhau.
Vậy có phải là đã hết yêu? Liệu tình yêu có còn tồn tại khi cuộc sống vợ chồng trở nên dửng dưng và ngột ngạt như vậy? Khi mối quan tâm chung giữa hai người chỉ là những đứa con, khi họ đối diện nhau, ở cạnh nhau mà không biết chia sẻ với nhau những chuyện gì?
Níu giữ hay buông tay khi tình cảm vợ chồng phai nhạt?
Vậy thì, tại sao chúng ta không một lần… chấp nhận buông tay!
Buông tay khi không còn yêu, khi đã thấy thôi không còn hạnh phúc bên cạnh nhau. Chỉ đơn giản vậy thôi. Và buông tay đôi khi cũng có nghĩa là làm cho mình, người đầu tiên được hạnh phúc.
Hạnh phúc này có thể sẽ phải đánh đổi bằng một quãng thời gian dài để làm quen, để cân bằng sau đó. Nhưng ta lại được sống cho chính ta, chẳng còn gánh nặng vô hình nào đè lên tâm hồn mình nữa cả.
Tôi thấy khâm phục vợ chồng bạn mình, vì họ đã làm được điều ấy, buông tay… chẳng vì điều gì khác ngoài việc thành thật với nhau khi tình yêu không còn.
Có thể sau một thời gian buông tay, không phải sống khổ sống sở cạnh nhau, họ lại nhận ra chẳng ai thay thế được nửa kia của mình. Có gì đâu, nếu thấy như vậy, ta có thể bắt đầu lại như những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi mới làm quen nhau, và lại ở bên nhau một lần nữa khi đã nhận ra những giá trị thật sự của cuộc sống!
Buông tay để có thể bắt đầu lại (nếu có thể) một cách nhẹ nhàng, thoải mái vì không phải chịu đựng nhau hàng ngày, không phải bắt đầu một ngày mới từ trong vụn vỡ.
Cũng có thể sau một thời gian dài buông tay, họ nhận ra từ bấy lâu họ không còn là suy nghĩ, hơi thở của nhau. Sau khi vật vã một thời gian dài để buông tay… giờ chỉ còn là những ngày tháng bình yên. Họ vẫn có thể gặp nhau cuối tuần để cùng chơi với con, hỏi thăm cuộc sống của nhau một cách thân tình. Tuy không phải dễ dàng, nhưng sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, một số cặp dần trở thành bạn của nhau và bắt đầu những trang khác của cuộc đời.
“Rồi thay áo cho tình thật mới tay chào
Cần chỉ nói một câu ân hận
Tình trong phút sum vầy
Vượt qua đớn đau dài
Tình sẽ thấy ấm áp…”
Còn bạn, khi tình yêu không còn… bạn vẫn sẽ nắm chặt hay chấp nhận buông tay?