Nuôi con

Nói với con nuôi tuổi vị thành niên về nguồn gốc của trẻ

Nói với con nuôi ở tuổi vị thành niên về nguồn gốc của trẻ không phải là một việc dễ dàng, đôi khi các bậc phụ huynh cảm thấy khó khăn khi chia sẻ những thông tin này. Nhưng ai cũng có mong muốn tìm hiểu về gia đình gốc của mình, do đó, cha mẹ nuôi cần trao đổi cởi mở và trung thực những thông tin mà mình biết với con.

Nói chuyện với con về việc nhận con nuôi

Giai đoạn tuổi vị thành niên là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi người, cũng là giai đoạn mỗi người đi tìm bản sắc riêng của mình. Bên cạnh đó, bản sắc cá nhân sẽ gắn liền với những suy tư “Tôi là ai?”, “Nơi nào thuộc về tôi?”, phần nào thúc đẩy trẻ đi tìm về nguồn gốc, nơi thực sự đã sinh ra mình. Trẻ thường có mong muốn tìm hiểu về cha mẹ ruột, do đó, cha mẹ nuôi cần trao đổi cởi mở và trung thực những thông tin về gia đình gốc với con. Đừng chờ cho đến lúc trẻ hỏi mới nói chuyện, vì nhiều khi trẻ sợ làm cha mẹ nuôi khó chịu nên không dám hỏi đấy.

Nói với con nuôi tuổi vị thành niên về nguồn gốc của trẻ

Bản sắc cá nhân của trẻ ở tuổi vị thành niên thúc đẩy trẻ đi tìm nguồn gốc của mình

Đôi khi các bậc phụ huynh có thể cảm thấy khó khăn khi chia sẻ những thông tin này, vì đó là những chuyện không vui như trẻ bị bỏ rơi hay bố mẹ trẻ là tội phạm. Tuy nhiên, bạn cần phải chia sẻ trung thực những gì mình biết, vì càng giấu giếm trẻ sẽ càng tò mò, càng tưởng tượng đến những chuyện tệ hại hơn với bố mẹ ruột của mình. Từ đó, các em có thể cảm thấy xấu hổ và bực bội. Càng lớn trẻ sẽ càng hiểu chuyện hơn, đây là lúc cha mẹ nuôi giúp con tìm hiểu quá khứ, tìm hiểu những gì đã xảy ra và yêu thương gia đình gốc của mình hơn.

Những việc cha mẹ có thể làm:

  • Đưa ra thông điệp rõ ràng: rằng bạn sẵn lòng nói chuyện với con về việc nhận nuôi con và những cảm xúc của con: Nếu con bạn muốn biết về nguồn gốc của chúng, nhưng lại không dám nói chuyện thì hãy chọn ngày để trao đổi với con về chuyện này.
  • Cho con biết hết mọi chuyện xảy ra: hãy để con biết và khám phá lịch sử, hoàn cảnh mình sinh ra cũng như được nhận nuôi. Những thông tin này có thể khó chia sẻ, do đó cần tìm cách giúp con đối mặt với những điều gây đau đớn này.
  • Giúp con có được cái nhìn công bằng với cha mẹ ruột: việc thông tin bị giới hạn khiến trẻ không hiểu hết được hoàn cảnh của cha mẹ ruột. Hãy nói với con về điểm tốt cũng như những khó khăn của cha mẹ. Nếu trẻ chỉ trích họ, tránh việc đồng tình với con mà thay vào đó hãy giúp trẻ nhìn nhận một cách công bằng hơn.
  • Hãy bình tĩnh: đôi khi trẻ không muốn nói chuyện, có thể trẻ đang trong giai đoạn muốn có sự riêng tư, không muốn bị làm phiền, do đó, việc giao tiếp với con có thể khó khăn. Cha mẹ hãy tránh nói dài dòng hay độc thoại mà hãy cùng nói chuyện với con. Nếu cha mẹ bình tĩnh, thoải mái, cởi mở thì con cái cũng dễ mở lòng hơn.
  • Giúp con tìm nơi để nói chuyện nếu không có bạn ở bên: một nhóm trẻ là con nuôi, những gia đình có con nuôi ở độ tuổi này, hay một người có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi con nuôi… có thể là một nơi an toàn để con bạn bộc lộ cảm xúc (tức giận, buồn bã hay xấu hổ…).

Nói với con nuôi tuổi vị thành niên về nguồn gốc của trẻ hình ảnh 2

Giúp con tìm nơi để nói chuyện nếu không có bạn ở bên

Xây dựng mối quan hệ với gia đình gốc của trẻ

Tất cả chúng ta đều có mong muốn biết về nguồn gốc gia đình của mình. Khi con nuôi của bạn đến tuổi vị thành niên cũng là thời gian tốt để cha mẹ nuôi có thể chuẩn bị tìm kiếm những thông tin liên quan đến gia đình gốc và họp mặt với họ nếu có thể.

Nếu bạn vẫn giữ liên lạc với gia đình gốc của trẻ thì hãy giúp con liên lạc với họ. Mối quan hệ với gia đình gốc giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn về bản thân, cảm giác trọn vẹn và hiểu được những thông tin quan trọng về di truyền và y khoa.

  • Nếu bạn có liên lạc với gia đình gốc, hãy xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với họ: Luôn giữ sự tôn trọng và cam kết trung thực với họ. Nếu vì lí do nào đó mà bạn không thể thân thiết được với gia đình gốc của trẻ, thì hãy tập trung vào con, để biết mong muốn của con là gì.
  • Nếu bạn không có liên lạc với gia đình gốc và con trẻ mong muốn tìm lại bố mẹ ruột, hãy nói chuyện và hỏi cảm giác của con nếu con được gặp bố mẹ ruột. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị và ủng hộ con trước khi bắt đầu tìm kiếm thông tin gia đình.
  • Nếu trẻ biết được thông tin liên lạc với gia đình và mong muốn gặp họ, thì hãy tìm hiểu mong muốn của bố mẹ ruột của con, và giúp con lường trước mọi tình huống có thể xảy ra (bố mẹ ruột không muốn gặp con, gia đình có người nghiện …).



Nguồn đọc thêm

  1. Parenting Your Adopted Teenager. Đọc thêm tại: <https://www.childwelfare.gov/pubPDFs/parent_teenager.pdf>.  [Ngày 12 tháng 7 năm 2015].
  2. Talking with Your Adopted Teen: It´s Possible and Important. Đọc thêm tại: <http://www.nacac.org/adoptalk/talkingwithteen.html>. [Ngày 4 tháng 8 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com