Nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được tìm thấy, nhưng có một số giả thuyết được nêu ra có liên quan tới vấn đề này, như hoạt động bất thường của não bộ, di truyền và nhiễm trùng.
Nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được tìm thấy, nhưng có một số giả thuyết có liên quan đến vấn đề này như:
- Hoạt động của một số vùng trong não có thể không đáp ứng bình thường với serotonin – một chất dẫn truyền được các tế bào thần kinh sử dụng để giao tiếp với nhau – gây nên rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Di truyền cũng được xem là yếu tố quan trọng. Nếu trẻ có cha mẹ, anh chị em ruột hay thành viên khác trong gia đình mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thì có gần 25% nguy cơ trẻ cũng sẽ mắc rối loạn đó.
- Một dạng phụ khác của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ được gây ra do sự nhiễm trùng – như viêm họng liên cầu – làm hệ thống miễn dịch của trẻ bị rối loạn và chuyển sang tấn công não thay vì triệt tiêu nhiễm trùng. Sau đó, trẻ sẽ bắt đầu có những triệu chứng nặng của rối loạn này; và sự xuất hiện đột ngột của những triệu chứng đó rất khác biệt so với những dạng chung rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em (triệu chứng phát triển dần dần).
Chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể đi kèm với rối loạn ăn uống, các dạng rối loạn lo âu khác hoặc trầm cảm. Để chẩn đoán chính xác tình trạng này, đầu tiên, cha mẹ hãy nói với bác sĩ về những triệu chứng của con bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo rằng trẻ không có vấn đề gì về thể lý có thể gây ra các biểu hiện triệu chứng này. Sau đó, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia về sức khỏe tâm thần nhi để điều trị cho trẻ.
Nói chung, rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ được chẩn đoán khi những triệu chứng về ám ảnh và cưỡng chế tiêu tốn quá nhiều thời gian và gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thường ngày của trẻ. Các triệu chứng ám ảnh và cưỡng chế sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian cho đến thời điểm trẻ được chẩn đoán. Trong một số trường hợp hiếm, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột với sự thay đổi nhanh chóng trong tâm trạng và hành vi của trẻ, kèm theo nỗi lo lắng thái quá.
Xem thêm:
>> Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ
>> Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ
- Obsessive Compulsive Disorder. Đọc thêm tại:<https://www.nami.org/Learn-More/Mental-Health-Conditions/Obsessive-Compulsive-Disorder>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
- Obsessive Complusive Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-compulsive-disorder-ocd/index.shtml>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
- OCD in Kids – Manage OCD in your household. Đọc thêm tại:<https://kids.iocdf.org/for-parents/managing-ocd-in-your-household/>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
- OCD in Kids – What’s is OCD? Đọc thêm tại:<https://kids.iocdf.org/what-is-ocd/>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].