Sức khỏe

Rối loạn lo âu ở trẻ

Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Khi trẻ có những biểu hiện như không ngừng lo lắng, có những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian dài, hay khóc, dễ tức giận, có thể trẻ đang gặp một vấn đề gây lo âu.

Rối loạn lo âu là gì?

Lo âu là một cảm giác khó chịu, có thể bao gồm cả lo lắng và sợ hãi. Đây là một phản ứng bình thường của trẻ khi có sự thay đổi hoặc khi trẻ gặp một sự kiện căng thẳng nào đó. Ví dụ như khi trẻ bắt đầu đi học, đi nhà trẻ hoặc khi mới chuyển đến chỗ ở mới. Tuy nhiên, ở một vài trẻ, lo âu ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, khi đó, vấn đề đã khác và có thể trẻ đã bị rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu bao gồm các dạng sau: rối loạn lo âu chia ly, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hoảng loạn, ám sợ xã hội, rối loạn stress sau sang chấn… Nếu không được điều trị, rối loạn lo âu có xu hướng tiếp tục theo trẻ cho tới khi trưởng thành và trẻ có thể gặp một số vấn đề khác như: kết quả học tập yếu, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện…

Triệu chứng của rối loạn lo âu

Một số dấu hiệu của rối loạn lo âu mà cha mẹ cần để ý ở trẻ là:

  • Khó tập trung
  • Không ngủ được hoặc thức giấc giữa đêm do ác mộng
  • Bỏ bữa ăn
  • Dễ tức giận hoặc hay cáu kỉnh, hay bị mất kiểm soát khi tức giận
  • Không ngừng lo lắng hay có những suy nghĩ tiêu cực
  • Cảm giác căng thẳng, bồn chồn, hoặc thường xuyên phải đi vệ sinh
  • Hay khóc
  • Luôn đòi theo bạn mọi lúc trong khi những trẻ khác thì không
  • Than đau bụng và cảm thấy không khỏe

Roi loan lo au o tre hinh anh

Rối loạn lo âu ở trẻ

Trẻ có thể còn quá nhỏ để nhận biết lý do vì sao trẻ cảm thấy như vậy.

Lý do của rối loạn lo âu (nếu có) sẽ khác nhau tùy thuộc độ tuổi của trẻ. Lo âu chia ly thường gặp ở trẻ nhỏ, trong khi trẻ lớn và thanh thiếu niên có xu hướng lo lắng nhiều hơn về kết quả học tập, về các mối quan hệ hoặc về sức khỏe.

Chẩn đoán rối loạn lo âu

Do những nỗi sợ và lo lắng ở trẻ em không giống nhau, việc đánh giá rối loạn lo âu ở trẻ cần chú ý đến sự phát triển tâm thần, năng lực cảm xúc xã hội và các yếu tố sinh học của trẻ. Các bác sĩ và các nhà tâm lý cần thông tin từ chính đứa trẻ, bố mẹ và cả giáo viên của trẻ bằng các phương pháp khác nhau như quan sát, phỏng vấn và các thang điểm đánh giá để xác định xem trẻ có bị rối loạn này hay không, xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh ở thời điểm hiện tại, và để tìm ra những việc cần phải can thiệp để giúp trẻ.

Xem thêm:
>> Nguyên nhân của rối loạn lo âu
>> Điều trị rối loạn lo âu ở trẻ
>> Hỗ trợ con bị rối loạn lo âu



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Anxiety disorders in children. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/anxiety-children/Pages/Introduction.aspx>. [Ngày 26 tháng 6 năm 2015].
  2. Recognizing and treating childhood anxiety disorders. Đọc thêm tại: <http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1071700/>. [Ngày 26 tháng 6 năm 2015].
  3. Anxiety in children. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/Conditions/stress-anxiety-depression/Pages/anxiety-in-children.aspx>. [Ngày 26 tháng 6 năm 2015].
  4. Child and Adolescent Anxiety Disorders – Stephen P. Whiteside. Đọc thêm tại: <http://www.mayo.edu/research/labs/child-adolescent-anxiety-disorders/overview?_ga=1.153747192.113388764.1434961334>. [Ngày 26 tháng 6 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com