Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển thần kinh, phổ biến ở trẻ em dưới 12 tuổi. Các bé trai có khả năng có rối loạn này gấp 2 – 4 lần các bé gái. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường gây nhiều rắc rối cho bản thân và người khác vì sự hiếu động quá mức và mất tập trung của mình.
Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh. Rối loạn này là một trong những rối loạn phổ biến nhất ở trẻ em và thường xảy ra ở trẻ dưới 12 tuổi, đôi khi có thể kéo dài cho đến tuổi vị thành niên và tuổi trường thành.
Các bé trai thường có khả năng bị ADHD gấp 2 – 4 lần các bé gái.
Các triệu chứng bao gồm khó khăn trong việc tập trung và chú ý, khó kiểm soát hành vi, hiếu động thái quá (tăng động).
Rối loạn tăng động giảm chú ý có 3 kiểu chính:
- Hiếu động thái quá
- Mất tập trung
- Hiếu động thái quá và mất tập trung kết hợp
Tăng động giảm chú ý gây nhiều rắc rối cho trẻ
Nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra tăng động giảm chú ý ở trẻ.
Nhưng cũng giống như hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và nhiều bệnh khác, rối loạn này có thể là kết quả do nhiều yếu tố kết hợp.
- Gen. Theo một số nghiên cứu về các cặp sinh đôi cho thấy ADHD thường có tính di truyền. Những trẻ em bị ADHD thường mang một phiên bản gen đặc biệt có mô ở phần não liên quan đến hoạt động mỏng hơn. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên thì mô não này cũng sẽ dày lơn và các triệu chứng của ADHD cũng sẽ được cải thiện.
- Yếu tố môi trường. Các nghiên cứu cho thấy có một mối liên hệ giữa hút thuốc lá, uống rượu trong khi người mẹ mang thai và rối loạn tăng động giảm chú ý ở đứa trẻ. Ngoài ra, trẻ mẫu giáo tiếp xúc với hàm lượng chì cao cũng có thể có nguy cơ phát triển rối loạn này.
- Chấn thương não. Trẻ em bị chấn thương não có thể có một số hành vi tương tự như của tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, chỉ một số ít trẻ em bị tăng động giảm chú ý đã từng bị chấn thương não.
Cách phòng tránh tăng động giảm chú ý
Để giúp làm giảm nguy cơ của trẻ bị tăng động giảm chú ý, mẹ nên ghi nhớ những điều sau:
- Trong khi mang thai, tránh bất cứ điều gì có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi. Không uống rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy. Tránh tiếp xúc với chất độc môi trường, chẳng hạn như polychlorinated biphenyls (PCBs).
- Bảo vệ bé: tránh cho bé tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm và các chất độc, kể cả khói thuốc lá, hóa chất nông nghiệp, công nghiệp và sơn có chì (được tìm thấy trong một số tòa nhà cũ).
Xem thêm:
>> Triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý
>> Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý
- Hyperactivity and the Distractible Child. Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
- Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD). Đọc thêm tại: <http://www.nimh.nih.gov/health/topics/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/index.shtml>. [Ngày 26 tháng 11 năm 2014]
- Attention-deficit/hyperactivity disorder (ADHD) in children. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/adhd/basics/definition/con-20023647>. [Ngày 26 tháng 11 năm 2014]
- What is ADHD. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/learning/adhd.html#a_Alternative_Treatments>. [Ngày 21 tháng 11 năm 2014].
- ADHD and the DSM 5. Đọc thêm tại: <http://www.help4adhd.org/documents/adhd%20and%20the%20dsm%205%20fact%20sheet%202.0.pdf>. [Ngày 31 tháng 7 năm 2015].