Trẻ 1 tuổi đã có thể làm chủ những kỹ năng vận động quan trọng. Sự phát triển này sẽ cho phép bé kiểm soát các đồ vật nhiều hơn và chính xác hơn.
Sự phát triển kĩ năng vận động của trẻ 1 tuổi
Trẻ 1 tuổi đã có thể làm chủ những kỹ năng vận động quan trọng nhưng ba mẹ rất dễ bỏ qua những thay đổi của bé trong việc sử dụng bàn tay hoặc sự phối hợp giữa tay và mắt. Sự phát triển này sẽ cho phép bé kiểm soát các đồ vật nhiều hơn và chính xác hơn.
Việc phối hợp vận động giữa tay và mắt cũng giúp bé khám phá những thứ mới lạ xung quanh bé. Khi 12 tháng tuổi, vẫn rất khó để bé nhặt những đồ vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ. Nhưng vào khoảng giữa từ năm 1 -2 tuổi, nhiệm vụ này sẽ trở nên đơn giản hơn.
Nếu bố mẹ theo dõi cách bé thao tác để cầm nắm những đồ vật nhỏ theo ý muốn hay quan sát cách bé khám phá những đồ vật mới lạ, bố mẹ sẽ thấy sự phát triển của trẻ về kỹ năng cầm nắm có nhiều thay đổi và ngày càng khéo léo hơn
Những trò chơi ưa thích giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm
- Xây dựng tòa tháp cao 4 tầng, sau đó phá sập.
- Đậy nắp và mở nắp hộp hoặc những thùng chứa đồ chơi khác.
- Nhặt bóng hoặc những đồ vật đang di chuyển.
- Xoay các núm và lật trang sách.
- Đặt những đồ chơi có hình thù tròn vào trong lỗ.
- Viết nguệch ngoạc và vẽ.
Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động, cầm nắm của bàn tay, ngón tay mà còn dạy trẻ những khái niệm về không gian, chẳng hạn “trong, trên, dưới, ngoài”.
Khi gần 2 tuổi và kỹ năng phối hợp phát triển tốt hơn, bé sẽ có thể thử nhiều trò chơi phức tạp hơn, như:
- Gấp giấy đơn giản.
- Đặt những khối hình vuông vào lỗ phù hợp (trò này khó hơn những khối hình tròn, vì nó còn phải đặt những góc cạnh phù hợp vào trong lỗ).
- Xếp chồng 5 hoặc 6 khối thành tòa tháp.
- Tháo đồ chơi ra từng phần và lắp ráp chúng lại với nhau.
- Tạo hình từ đất sét.
Đến 2 tuổi, bé có khả năng thể hiện một xu hướng thuận tay trái hoặc phải. Tuy nhiên, nhiều em bé không cho thấy rõ xu hướng tay thuận trong vài năm đầu. Nhiều đứa bé khác thuận cả hai tay, hoặc có thể sử dụng cả hai tay như nhau.
Không có lý do gì để bố mẹ phải tạo áp lực cho bé phải sử dụng tay nào là chính cả. Hãy để sự phát triển của trẻ về khả năng cầm nắm một cách tự nhiên là tốt nhất.
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA. Trang 289.
- Hand and Finger Skills . Tham khảo tại:<http://www.healthychildren.org/English/ages-stages/toddler/Pages/Hand-and-Finger-Skills-1-Year-Olds.aspx>. [Ngày 30 tháng 9 năm 2014].