Do hormone thai kỳ có sự thay đổi nên tâm lý bà bầu khi mang thai cũng “sáng nắng chiều mưa”. Nhưng chồng cũng không ngoại lệ, một số ông chồng cũng có thể thay đổi tính khí thất thường. Những gợi ý sau sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn trong thời kỳ thai nghén của vợ và cùng vợ vượt qua giai đoạn này.
Lý giải tại sao bà bầu thường “sáng nắng chiều mưa”?
Chào mừng các bạn đã đến với thế giới đầy tuyệt vời và đôi khi khá kỳ quặc mang tên – thế giới của các hormone thai kỳ. Sở dĩ gọi là tuyệt vời bởi vì đây là những hormone đang làm việc chăm chỉ để nuôi dưỡng sự sống bé bỏng cư trú bên trong cơ thể của người vợ. Gọi là kỳ quặc bởi vì ngoài việc kiểm soát cơ thể của người phụ nữ (thường làm cho họ khổ sở hơn), các loại hormone còn điều khiển tâm lý bà bầu nữa. Chúng ảnh hưởng tới mức độ dẫn truyền thần kinh trong não và hàng loạt các cảm xúc của phụ nữ mang thai và sắp làm mẹ khiến họ dễ khóc hơn, phấn khích thái quá, giận hờn không đáng, căng thẳng…
Bạn đừng ngạc nhiên khi nhận ra tính khí của người vợ thay đổi thất thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, là do lúc này các hormone thai kỳ có sự thay đổi lớn nhất. Phần lớn tâm trạng buồn bã ở phụ nữ mang thai thường bộc phát từ tuần thứ 6 tới thứ 10, rồi giảm dần khi bắt đầu 3 tháng giữa rồi lại xuất hiện trở lại vào 3 tháng cuối.
Nhưng thậm chí khi các hormone trở nên ổn định vào giai đoạn thai kỳ thứ 2 hay thứ 3 (sáu tháng mang thai còn lại), các ông vẫn có thể tiếp tục chịu đựng những cảm xúc bất thường của vợ mình lúc cao lúc thấp (và đôi khi châm ngòi cho những vụ bùng nổ lớn của họ) cho tới khi sinh con và có thể dài lâu hơn nữa.
Chồng nên làm gì khi vợ “sáng nắng chiều mưa”?0
Bạn không nên càu nhàu hay nhăn nhó với sự thay đổi tính khí “sáng nắng chiều mưa” của vợ, thay vào đó hãy thật bình tĩnh để ứng xử mọi việc tránh gây mâu thuẫn và biết cảm thông với sự thay đổi này.
- Kiên nhẫn. Thai kỳ không phải là giai đoạn kéo dài mãi mãi và sẽ sớm trôi qua trong trạng thái dễ chịu và vui vẻ hơn nhiều nếu người chồng biết kiên nhẫn. Trong thời gian này, cố gắng thật bình tĩnh và làm bất cứ điều gì có thể để giữ mình thật ôn hòa.
- Đừng để trong lòng những lần vợ phát cáu và đừng cãi lại cô ấy. Suy cho cùng thì những cơn cáu gắt ấy hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của người phụ nữ. Chỉ cần bạn lưu ý rằng nguyên do bởi hormone trong cơ thể người phụ nữ đang hoạt động và thay đổi không có lý do rõ ràng. Bạn cũng nên né tránh chỉ trích hoặc khơi gợi những tâm trạng không tốt của người bạn đời, dù rằng họ bất lực trong việc kiểm soát nhưng có thể họ cũng nhận biết ra điều đó. Và rất có thể là người vợ cũng chẳng vui sướng gì hơn bạn đâu.
- Làm dịu đi các đợt thay đổi tính khí của người vợ. Nồng độ đường huyết có thể làm cho tâm trạng của người vợ thay đổi, hãy chuẩn bị một bữa ăn nhẹ khi tâm trạng của vợ có dấu hiệu xuống dốc (một đĩa bánh quy giòn và phô mai, sinh tố sữa chua kèm trái cây). Tập thể dục có thể giúp giải phóng endorphin trong cơ thể – rất cần thiết cho người phụ nữ, vì vậy hãy khuyên cô ấy đi bộ trước hay sau bữa ăn (cũng là khoảng thời gian tốt để vợ trút nỗi sợ hãi và lo lắng đã làm tinh thần cô ấy sa sút).
- Biết quan tâm, san sẻ công việc với vợ hơn. Các công việc như giặt đồ; sau khi tan sở về có thể mua đồ ăn nàng thích, đi chợ, tự giải quyết đống chén dơ… Điều này không chỉ giúp vợ đánh giá cao những việc chồng làm khi không cần nàng nhờ vả mà còn làm tâm lý bà bầu khi mang thai trở nên vui vẻ hơn.
Tâm trạng người chồng cũng thất thường như tâm lý bà bầu khi mang thai thì sao?
Cũng giống như phụ nữ, nam giới cũng có thể có nhiều dấu hiệu biểu hiện cảm xúc khác nhau, kể cả tâm trạng không tốt – đây là điều phổ biến gây ngạc nhiên nhất ở các ông bố tương lai. Thường thì người đàn ông không thể nào dễ dàng đổ lỗi tại hormone như nữ giới (dù hormone của đàn ông cũng thay đổi phần nào trong giai đoạn này).Tâm trạng không tốt của người chồng có thể liên quan tới khả năng tự làm chủ cảm xúc và những xung đột trong tình cảm – từ lo âu, sợ hãi cho tới mâu thuẫn mà hầu hết những người sắp làm cha đang phải đối mặt trong những tháng ngày thay đổi quan trọng sắp tới.
Nhưng người chồng có thể tự giúp bản thân cảm thấy khá hơn trong thời gian vợ thai nghén và có thể sẽ giúp ngăn chặn những trạng thái buồn bã sau sinh, những điều mà khoảng 10% những người lần đầu làm cha đều phải trải qua, bằng những cách sau:
- Nói chuyện. Hãy giải tỏa cảm xúc của mình để chúng không làm bạn cảm thấy tệ hơn. Chia sẻ chúng với vợ và cũng đừng quên để vợ chia sẻ những vấn đề của cô ấy, vợ chồng nên đối thoại hàng ngày. Trao đổi trò chuyện với một người bạn vừa làm cha mới đây (không ai hiểu nó bằng những người từng trải đâu), hay thậm chí là nói chuyện với cha của mình. Bạn cũng có thể trao đổi trên mạng, những mục dành cho những người mới hay sắp làm cha.
Tâm lý bà bầu khi mang thai thay đổi thất thường, chồng cũng không ngoại lệ
- Tập thể dục. Việc tập thể dục không chỉ sẽ giúp giải tỏa cảm xúc của người chồng mà còn có thể giúp cơ thể tiết ra endorphin giúp giữ cảm xúc tích cực được duy trì dài lâu.
- Lên kế hoạch cho việc đón bé ra đời. Bạn nên tập trung thời gian rảnh để lên kế hoạch chuẩn bị mọi thứ cho bé sau này. Chồng có thể thấy rằng việc này giúp tinh thần mình phấn chấn hơn.
- Ngừng (giảm) uống rượu, bia. Rượu, bia chỉ khiến tâm trạng của bạn tệ hơn, do đó bạn nên tránh xa chúng để giữ tinh thần tốt.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA.
- Mood swings during pregnancy. Tham khảo tại: <http://www.babycenter.com/0_mood-swings-during-pregnancy_253.bc>. [Ngày 22 tháng 01 năm 2015]