Bài viết chia sẻ những điều cần lưu ý khi mang thai tháng thứ 2, mẹ tham khảo ngay để không phải bỡ ngỡ hay lo lắng về những thay đổi trên cơ thể trong 3 tháng đầu thai kỳ. Chẳng hạn, mẹ lo lắng khi thấy bụng hôm nay căng tròn nhưng hôm sau lại phẳng lì hay tiểu tiện trở nên khó khăn,…
Bụng căng tròn bỗng biến mất
“Lạ lắm, có ngày bụng tôi có vẻ bắt đầu tròn ra, nhưng ngày hôm sau bụng lại phẳng lì. Chuyện gì đang xảy ra vậy?”
Đây không phải là thắc mắc của riêng ai mà hầu như các phụ nữ mang thai tháng thứ 2 đều như thế. Tại sao ư? Hiện tượng này xảy ra do ruột của mẹ căng lên khi bị đầy hơi và táo bón (2 triệu chứng rất thường gặp của các mẹ mới mang thai), nên khiến bụng mẹ lúc tròn lúc phẳng. Mẹ đừng lo lắng vì điều này hoàn toàn bình thường. Chẳng mấy chốc bụng mẹ sẽ ngày càng căng tròn vì bé ngày một lớn lên.
Bụng mẹ lúc tròn lúc phẳng khi mang thai tháng thứ 2
Đây cũng là một trong những lưu ý khi mang thai tháng thứ 2 mà mẹ cần biết để không phải bỡ ngỡ và lo sợ.
Kích thước tử cung khi mang thai to hoặc nhỏ
“Trong lần khám thai khi mang thai tháng thứ 2, bác sĩ có nói tử cung tôi hơi nhỏ (hoặc hơi to) hơn bình thường. Vậy liệu bé có đang tăng trưởng tốt không?”
Như mọi khi, không có gì đáng lo ngại cả, vì thực ra việc đo kích cỡ tử cung từ bên ngoài khi mang thai không hoàn toàn chính xác, nhất là khi ở giai đoạn còn sớm như vậy. Việc tính toán kích thước chuẩn cũng không đơn giản, vì ngày mẹ nghĩ mình thụ thai có thể sai lệch đến vài tuần. Có thể bác sĩ sẽ cho mẹ siêu âm để xác định kích thước tử cung và tuổi thai có sự chênh lệch gì không.
Tương tự, nếu tử cung của mẹ to hơn bình thường, có thể mẹ đã mang thai lâu hơn mẹ nghĩ, do bác sĩ tính sai ngày, hoặc đo sai kích cỡ, vốn rất hay xảy ra. Để kiểm tra chính xác, cũng như xác định những nguyên nhân khác (như mang thai đôi), bác sĩ có thể sẽ đề nghị siêu âm.
Tiểu tiện khó khi mang thai tháng thứ 2
“Mấy ngày qua tôi cảm thấy tiểu khó, dù cho bàng quang có cảm giác rất căng, tại sao vậy?”
Có thể mẹ đang chịu áp lực từ tử cung của mình. Cứ 5 phụ nữ sẽ có 1 người có tử cung ngả về sau thay vì ngả về phía trước. Khi không nằm ngay, tử cung ngả sau này (tilted uterus) sẽ ép lên niệu đạo (ống dẫn từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Áp lực ngày một tăng này sẽ khiến mẹ khó tiểu tiện, đôi khi dẫn đến “rò rỉ” khi bàng quang quá tải.
Trong hầu hết các trường hợp, tử cung sẽ tự động dịch chuyển ngay lại sau tam cá nguyệt thứ nhất. Nhưng nếu hiện tại mẹ đang cảm thấy thực sự khó chịu hoặc đặc biệt tiểu khó, hãy gọi cho bác sĩ. Bác sĩ có thể có khả năng dùng tay điều chỉnh tử cung của mẹ để không ép lên niệu đạo nữa. Cách này hầu như luôn mang lại hiệu quả.
Nếu lâm vào trường hợp hiếm khi cách này không có tác dụng, mẹ có thể sẽ cần thông niệu đạo bằng ống. Một nguyên nhân khả dĩ nữa khiến mẹ tiểu khó, và cần phải đi khám bác sĩ ngay, đó là mẹ bị viêm tiết niệu.
>> Viêm đường tiết niệu khi mang thai: Biết để điều trị sớm!
Xỏ khuyên rốn giữ thế nào khi mang thai tháng thứ 2
“Khi mang thai tháng thứ 2, đeo khuyên rốn có hại gì cho mẹ và thai nhi không? Làm thế nào để không phải bỏ khuyên rốn?”
Thời trang này ở các mẹ Việt Nam lại không nhiều. Tuy vậy, chắc các mẹ cũng muốn tìm hiểu một chút chứ nhỉ.
Với các mẹ ở Châu Âu và Mỹ, việc xỏ khuyên rốn rất phong cách, quyến rũ, và là một trong những cách dễ thương nhất để khoe vòng 2 phẳng và săn chắc của mẹ. Nhưng khi bụng mẹ bắt đầu to dần, liệu mẹ có cần dừng việc xỏ khuyên rốn?
Câu trả lời là không cần, nếu vết xỏ lành nhanh và ổn định (tức không bị đỏ, rát hay bị rỉ dịch). Hãy nhớ rằng rốn mẹ là nơi mẹ từng kết nối với cơ thể bà ngoại, không phải là nơi bé kết nối với cơ thể mẹ, do đó việc xỏ khuyên rốn không hề vẽ đường dẫn lối cho mầm bệnh tấn công bé. Mẹ cũng không cần phải lo khuyên rốn sẽ gây cản trở khi sinh, kể cả với sinh mổ nhé.
Đeo khuyên rốn khi mang thai tháng thứ 2 có sao không nhỉ?
Dĩ nhiên càng về sau thai kỳ, bụng mẹ sẽ ngày càng căng hơn (kể từ tháng thứ 3) và mẹ có thể cảm thấy việc mang khuyên trở nên khó chịu. Bản thân khuyên có thể cọ xát hoặc vướng vào quần áo, nhất là khi rốn mẹ bắt đầu lồi ra, khiến mẹ bị đau.
>> Bụng bầu to nhanh khi mang thai tháng thứ 3
Hơn nữa, kể từ tháng thứ 2 một số mẹ đã thấy các mạch máu nhỏ ở bụng rồi nên sẽ “trở ngại” khi khoe chiếc bụng khuyên rốn của mẹ. Do vậy, mẹ có thể cân nhắc và dời quyết định này sau khi sinh em bé.
>> Da mỏng lộ mạch máu khi mang thai tháng thứ 2
Hoặc nếu mẹ đã khuyên rốn trước đó và cân nhắc việc tháo khuyên thì mẹ cần xỏ khuyên vài ngày một lần để ngăn lỗ khuyên bị bít lại (không cần thiết nếu mẹ đã xỏ khuyên từ lâu). Hoặc mẹ có thể dùng những loại khuyên dẻo làm từ teflon hoặc PTFE (polytetrafluoroethylene) để không làm đau bụng mình nhé. Cách này sẽ giúp mẹ giữ lại lỗ khuyên và có thể đeo lại khuyên sau khi sinh em bé.
- Murkoff, H, Mazel, S, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, New York (p.159 – 162)
- Abnormalities of the uterus in pregnancy. Tham khảo tại: <http://www.babycentre.co.uk/a551934/abnormalities-of-the-uterus-in-pregnancy>. [Ngày 15 tháng 4 năm 2015]