Dạo gần đây ở nước ta đang xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Vậy cấp độ nguy hiểm của bệnh ra sao, phương thức lan truyền như thế nào? Các mẹ nên làm gì để phòng tránh viêm não mô cầu cho bé? Hãy cùng Mekhonghoanhao tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Bệnh viêm màng não mô cầu hay còn được gọi là viêm màng não do não mô cầu là một bệnh rất nguy hiểm do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra. Bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến bé tử vong trong vòng một vài giờ hoặc nếu may mắn sống sót, bé có thể bị điếc và tổn thương não vĩnh viễn. Do đó những bé có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc sống trong vùng dịch nên được đưa đi tiêm ngừa vacxin viêm màng não mô cầu để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh.
Phương thức lan truyền của bệnh viêm màng não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu có thể lây lan thông qua các con đường sau:
- Lây lan thông qua đường hô hấp hoặc các dịch tiết bắn ra từ cổ họng.
- Tiếp xúc gần như: Hôn, hắc xì, ho.
- Chia sẻ thức ăn, đồ uống, dùng chung ly, tách uống nước với người bị nhiễm bệnh.
Đối tượng dễ bị nhiễm bệnh viêm màng não mô cầu?
Theo thống kê của Cục y tế dự phòng tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh viêm màng não mô cầu. Năm 2011 là năm có số ca nhiễm cao nhất với 272 ca. Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần. Từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh này, nhưng phổ biến nhất là các bé dưới 1 tuổi và thanh thiếu niên từ 16-21 tuổi. Những bé bị mắc một số bệnh đặc biệt như thiếu một lá lách hay sinh viên năm nhất vừa chuyển vào sống trong ký túc xá cũng có nguy cơ nhiễm bệnh khá cao.
Tại các vùng nhiệt đới, bệnh gia tăng khi thời tiết, khí hậu thay đổi. Thời điểm xảy ra dịch nhiều nhất là mùa đông và đầu mùa xuân, thấp nhất là giữa mùa hè. Ngoài ra, dịch còn có nguy cơ bùng phát vào những thời điểm và nơi có nhiều người tụ tập như mùa khai trường và đợt tuyển quân.
Các nơi như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, hồ bơi công cộng, những nơi chật chội, thiếu vệ sinh đều có thể là nơi bùng phát dịch bệnh.
Triệu chứng bệnh viêm màng não mô cầu
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 4 ngày, tuy nhiên phụ thuộc vào thể trạng của bé và các yếu tố môi trường xung quanh mà nó có thể dao động từ 2-10 ngày.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các triệu chứng điển hình viêm màng não mô cầu thường là:
- Sốt.
- Đau đầu.
- Cứng cổ. (Bởi vì bé còn quá nhỏ nên dấu hiệu này đôi khi khó có thể nhận biết, tuy vậy triệu chứng này không phải lúc nào cũng xuất hiện ở tất cả các bé).
- Phản ứng chậm.
- Quấy khóc.
- Bú kém.
Ngoài ra, bé có thể xuất hiện các ban màu đỏ hoặc tím trên da, đây là dấu hiệu quan trọng mà mẹ cần phải lưu ý. Nếu các ban này không chuyển qua màu trắng khi bạn đè một cái ly thủy tinh vào, đây có thể là dấu hiệu của ngộ độc máu. Lúc này bé cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Tuy nhiên, các dấu hiệu trên cũng có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác, do đó nếu nhận thấy bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên, tốt hơn hết mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra nhé.
Đối với thanh thiếu niên
Các triệu chứng điển hình khi bị viêm màng não do não mô cầu là:
- Sốt cao đột ngột (khoảng từ 39-40oC).
- Đau đầu.
- Cứng cổ.
Ngoài ra, bệnh viêm màng não mô cầu còn có thể kèm theo các triệu chứng khác như: nôn, buồn nôn, sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng), lú lẫn, xuất hiện các vết bầm tím và các nốt ban xuất huyết.
Có thể phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu?
Cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm vacxin viêm não mô cầu. Ngoài ra, cần phải thường xuyên rửa tay cho bé bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường, lau dọn vệ sinh nhà cửa.
Tuyệt đối không được để bé tiếp xúc với người bệnh. Trong trường hợp phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng nõ do não mô cầu cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.
Vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu
Vi khuẩn bệnh viêm màng não mô cầu Neisseria Meningitidis có đến 12 nhóm nhỏ, trong đó 6 nhóm gây bệnh chính bao gồm A, B, C, W-135, X và Y. Cho đến nay vẫn chưa có loại vacxin nào chủng ngừa được tất cả 6 nhóm vi khuẩn này.
Tại khu vực Đông Nam Á, vi khuẩn viêm màng não mô cầu nhóm A là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Ở Việt Nam, một số ca gây bệnh nhóm B và C cũng đã được ghi nhận. Do đó, người lớn cũng như trẻ em cần được chủng ngừa cả 3 nhóm vi khuẩn A, B, và C. Có hai loại vacxin đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng của nước ta để miễn dịch các nhóm vi khuẩn này là vacxin kết hợp VA-Mengoc BC (chủng ngừa các vi khuẩn nhóm B và C), và vacxin viêm màng não mô cầu A + C (chủng ngừa các vi khuẩn nhóm A và C).
>> Chủ động tiêm vacxin viêm não mô cầu phòng ngừa bệnh
- Meningococcal Polysaccharide Vaccine A + C Sanofi Pasteur. Đọc thêm tại: http://www.meppo.com/pdf/drugs/1090-MENINGOCOCCAL-POLYSACCHARIDE-VACCINE-A–C-1321626459.pdf. [Ngày 11 tháng 01 năm 2016]
- Meningococcal BC Vaccine. Đọc thêm tại: http://www.finlay.sld.cu/cartera/Vamengocbc_Ingles09.htm. [Ngày 11 tháng 01 năm 2016]
- Meningococcal Disease. Đọc thêm tại: http://www.who.int/ith/vaccines/meningococcal/en/. [Ngày 11 tháng 01 năm 2016]
- Meningococcal VIS. Đọc thêm tại: http://www.cdc.gov/vaccines/hcp/vis/vis-statements/mening.html. [Ngày 11 tháng 01 năm 2016]
- Bộ y tế hướng dẫn người dân phòng bệnh não mô cầu. Đọc thêm tại: <http://benhnhietdoi.vn/tin-tuc/Tin-y-te/bo-y-te-huong-dan-nguoi-dan-phong-benh-nao-mo-cau_7778.html>. [Ngày 10 tháng 03 năm 2016]
- Meningococcal meningitis. Đọc thêm tại: <http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs141/en/>. [Ngày 10 tháng 03 năm 2016]
- Người dân cần chủ động phòng chống viêm não mô cầu. Đọc thêm tại: <http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/869/nguoi-dan-can-chu-dong-phong-chong-viem-nao-mo-cau>. [Ngày 10 tháng 03 năm 2016]
- Meningitis – meningococcal. Đọc thêm tại: <https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000608.htm>. [Ngày 18 tháng 03 năm 2016]
- An Overview of Meningococcal Meningitis. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/children/meningococcal-meningitis-symptoms-causes-treatments-and-vaccines>. [Ngày 18 tháng 03 năm 2016]