Bệnh tâm thần phân liệt là một rối loạn não bộ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh. Ở mỗi độ tuổi khác nhau dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ cũng khác nhau.
Vài thông tin về bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt thường được chẩn đoán ở độ tuổi 15 – 35. Tỉ lệ nữ giới và nam giới mắc rối loạn này là ngang nhau. Nam giới thường bắt đầu biểu hiện các triệu chứng tâm thần phân liệt ở giai đoạn cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu thanh niên. Nữ giới thường biểu hiện các triệu chứng muộn hơn một chút, thường cuối độ tuổi 20, đầu 30.
Khi tâm thần phân liệt phát triển ở trẻ em dưới 13 tuổi, nó được gọi là tâm thần phân liệt khởi phát thời thơ ấu hoặc tâm thần phân liệt trẻ em.
Về cơ bản, tâm thần phân liệt thời ấu thơ giống với tâm thần phân liệt ở người trưởng thành, nhưng nó xảy ra sớm hơn và gây nên những ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và sự phát triển của trẻ. Với tâm thần phân liệt thời ấu thơ thì độ tuổi khởi phát sớm tạo ra những thách thức trong việc chẩn đoán, điều trị, nhu cầu về giáo dục, sự phát triển về cảm xúc và xã hội của trẻ.
Điều trị tâm thần phân liệt đòi hỏi phải có chương trình điều trị suốt đời. Nếu hướng trị liệu càng được xác định và tiến hành sớm thì có thể cải thiện đáng kể kết quả lâu dài ở con bạn.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng tâm thần phân liệt thời ấu thơ vẫn chưa được xác định, nhưng có ý kiến cho rằng rối loạn này phát triển theo cùng cách thức với tâm thần phân liệt ở người trưởng thành. Hiện cũng chưa ai rõ được vì sao tâm thần phân liệt lại khởi phát sớm ở một số người, còn số khác lại không.
Tâm thần phân liệt thời thơ ấu và những dạng khác của tâm thần phân liệt là các rối loạn não bộ. Những yếu tố về di truyền và môi trường có nhiều khả năng gây ra tâm thần phân liệt. Các vấn đề về một số chất dẫn truyền thần kinh cũng có thể góp phần vào phát triển rối loạn này.
Các yếu tố nguy cơ
Dù nguyên nhân chính xác của tâm thần phân liệt chưa được xác định, nhưng có một số yếu tố được cho là góp phần làm gia tăng nguy cơ phát triển rối loạn này, gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị tâm thần phân liệt.
- Tiếp xúc các loại virus, chất độc hại hoặc bị thiếu chất dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ.
- Sự hoạt hóa bất thường của hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như từ những bệnh lý viêm nhiễm hoặc bệnh tự miễn.
- Có cha lớn tuổi.
- Uống các loại thuốc tác động đến thần kinh trong suốt giai đoạn vị thành niên.
Dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ em và thanh thiếu niên
Dấu hiệu sớm ở trẻ em
Những dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ thường bao gồm các vấn đề liên quan đến sự phát triển của trẻ, như:
- Sự chậm trễ ngôn ngữ
- Biết bò trễ hoặc bò bất thường
- Biết đi trễ
- Những hành vi vận động bất thường khác, như đung đưa cánh tay hoặc vỗ tay
Một số trong những triệu chứng này cũng xuất hiện phổ biến ở trẻ em có rối loạn phát triển lan tỏa – như rối loạn phổ tự kỉ. Vì vậy, việc loại trừ những rối loạn phát triển này là một trong những bước thực hiện đầu tiên trong việc đưa ra chẩn đoán.
Dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ vị thành niên
Các dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ vị thành niên giống với ở người trưởng thành nhưng lại khó phát hiện hơn, vì những triệu chứng ban đầu ở trẻ cũng là dấu hiệu phổ biến của giai đoạn phát triển này, như là:
- Thu rút mình khỏi bạn bè và gia đình
- Sụt giảm kết quả học tập ở trường
- Gặp vấn đề về giấc ngủ
- Cáu gắt hoặc tâm trạng chán nản, thất vọng
- Thiếu động lực
- Có những hành vi kì lạ
Nếu so sánh với triệu chứng ở người trưởng thành thì thanh thiếu niên có thể:
- Ít có khả năng bị hoang tưởng hơn
- Nhiều khả năng có các cơn ảo thị hơn
Những dấu hiệu và triệu chứng sau này
Khi trẻ lớn lên cùng chứng tâm thần phân liệt thì bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng điển hình hơn, bao gồm:
– Ảo giác: ảo giác có thể liên quan đến bất kì giác quan nào – nhưng thường là nhìn (ảo thị) và nghe (ảo thanh) thấy những thứ không tồn tại.
– Hoang tưởng: hoang tưởng là những niềm tin sai lệch không có cơ sở thực tế. Ví dụ như trẻ tin rằng:
- Trẻ đang bị hãm hại hoặc bị quấy rối;
- Có những cử chỉ hoặc bình luận đang nhắm vào trẻ;
- Trẻ có một khả năng đặc biệt hoặc trẻ là người rất tài giỏi, nổi tiếng;
- Có ai đó đang yêu trẻ;
- Một thảm họa lớn sắp xảy ra;
- Cơ thể trẻ đang hoạt động không đúng chức năng của nó.
– Tư duy (lời nói) thiếu tổ chức: tư duy thiếu tổ chức được suy ra từ lời nói thiếu tổ chức. Việc giao tiếp hiệu quả có thể bị suy yếu, bệnh nhân có thể chỉ trả lời một phần câu hỏi hoặc trả lời hoàn toàn không liên quan nội dung được hỏi. Ở một số trường hợp hiếm, lời nói bao gồm những từ vô nghĩa khó hiểu được đặt cùng nhau.
– Hành vi vận động vô tổ chức hoặc bất thường: điều này có thể được biểu hiện theo nhiều cách. Hành vi mà không tập trung vào mục tiêu sẽ làm cho việc thực hiện nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn. Hành vi vận động bất thường có thể bao gồm kháng cự lại sự hướng dẫn, những tư thế kì lạ và không phù hợp, hoàn toàn không phản ứng, hoặc những vận động quá mức và vô nghĩa.
– Các triệu chứng âm tính: là sự thiếu hụt hoặc giảm khả năng hoạt động bình thường. Chẳng hạn như: thiếu cảm xúc (không giao tiếp mắt, không thay đổi nét mặt hoặc nói chuyện không có ngữ điệu), ít nói chuyện hơn, bỏ bê vệ sinh cá nhân, mất hứng thú đối với những hoạt động thường ngày hoặc thu rút khỏi xã hội.
- Childhood Schizophrenia. Đọc thêm tại:
- http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/childhood-schizophrenia/basics/definition/con-20029260>. [Ngày 14 tháng 9 năm 2015].
- Schizophrenia – Topic Overview. Đọc thêm tại:
- http://www.webmd.com/schizophrenia/tc/topic-overview-schizophrenia>. [Ngày 15 tháng 9 năm 2015].
- Schizophrenia. Đọc thêm tại:<http://www.helpguide.org/articles/schizophrenia/schizophrenia-signs-types-and-causes.htm>. [Ngày 28 tháng 9 năm 2015].
- Schizophrenia.Đọc thêm tại:<http://www.nhs.uk/conditions/Schizophrenia/Pages/Introduction.aspx>. [Ngày 28 tháng 9 năm 2015].
- What Is Schizophrenia?. Đọc thêm tại: <http://www.everydayhealth.com/schizophrenia/>. [Ngày 28 tháng 9 năm 2015].