Chán ăn, sụt cân, suy dinh dưỡng, mệt mỏi,…là những triệu chứng rối loạn ăn uống điển hình ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì càng có nguy cơ bị chậm phát triển nếu trẻ mắc phải rối loạn này, các mẹ cần lưu tâm hơn nhé!
Rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là khi trẻ không thể ăn uống hoặc từ chối ăn uống, hay là khi trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống dẫn đến sút cân, suy dinh dưỡng, lừ đừ, suy giảm trí tuệ và cảm xúc xã hội đi kèm chậm phát triển.
Trong các trường hợp nặng nhất, trẻ hoàn toàn ngừng hoạt động ăn uống và phải đặt ống thông mũi – dạ dày hoặc mở dạ dày đặt ống và truyền thức ăn vào.
Rối loạn ăn uống tiến triển bởi sự kết hợp của các yếu tố thể chất, phát triển, hành vi và tâm lý xã hội. Có đến 25% trẻ trải qua một số dạng khó khăn về ăn uống trong suốt giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tỷ lệ này có thể cao đến 33% ở những trẻ có các khuyết tật về phát triển.
Triệu chứng rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Vì trẻ mắc rối loạn ăn uống không thể nhận đủ năng lượng, vitamin hoặc các khoáng chất để hỗ trợ cho sự phát triển bình thường, nên triệu chứng rối loạn ăn uống ở trẻ có vẻ giống với các dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc nhịn ăn lâu ngày. Trẻ có thể trở nên dễ cáu kỉnh, khó dỗ, dửng dưng, thu rút bản thân và không đáp ứng với người khác. Sự chậm phát triển, chậm lớn cũng có thể xảy ra. Nói chung, trẻ càng nhỏ thì càng có nguy cơ bị chậm phát triển nếu trẻ bị rối loạn ăn uống.
Một số triệu chứng rối loạn ăn uống khác giúp mẹ nhận biết có thể bao gồm: táo bón, quấy khóc nhiều, khó chịu, thờ ơ (biểu hiện thiếu quan tâm), cân nặng thấp (so với độ tuổi và dạng cơ thể của trẻ). Trẻ mắc rối loạn này có thể xuất hiện những vấn đề về nhai hoặc nuốt; không thể tự mình đút ăn khi đang ở độ tuổi phát triển hành vi tự ăn phù hợp; có biểu hiện bị sặc, nghẹn hoặc ói mửa (đôi khi là do cố ý); ngoài ra, trẻ có thể chỉ chọn ăn những món ăn có màu sắc hoặc tính chất nhất định. Một số trẻ sẽ từ chối không ăn uống gì cả, trẻ quay đi chỗ khác, la hét, khạc nhổ, quăng ném thức ăn và có những cơn ăn vạ khó chịu khi đến giờ ăn. Các triệu chứng phải ở mức độ khá nặng, biểu hiện trên mức những dấu hiệu của một đứa trẻ bình thường (ví dụ có những trẻ không thích ăn rau củ), thì mới được xem là rối loạn ăn uống.
Nguyên nhân rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xảy ra khi cha mẹ tương tác, giao tiếp với trẻ không đúng, chẳng hạn như cha mẹ không thể nhận biết những tín hiệu thể hiện trẻ đang đói, hoặc ép buộc trẻ ăn khi trẻ không đói. Việc thiếu sự nuôi dưỡng hoặc sống trong môi trường có cha mẹ hay gây hấn, giận dữ, hoặc thờ ơ có thể làm cho việc ăn uống trở thành một trải nghiệm tiêu cực đối với trẻ, làm gia tăng nguy cơ mắc rối loạn ăn uống.
Các rối loạn ăn uống thường phổ biến ở những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sinh non, có cân nặng lúc sinh thấp hoặc những trẻ bị chậm phát triển.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác liên quan đến y khoa và cơ thể của trẻ có thể gây ra các triệu chứng khó khăn về ăn uống, ác cảm với việc ăn uống hay chậm phát triển, bao gồm:
- Các bệnh về hệ thần kinh trung ương
- Các bệnh chuyển hóa
- Các khiếm khuyết giác quan
- Các bất thường về giải phẫu học như hở hàm ếch
- Các rối loạn về cơ như chứng bại não
- Bệnh tim
- Các bệnh về đường tiêu hóa như bệnh Crohn.
Để chẩn đoán đúng rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì những tình trạng y khoa kể trên cần phải được loại trừ.
1.Feeding Disorder of Early Childhood – Childhood Mental Disorders and illnesses. Đọc thêm tại:<http://www.gulfbend.org/poc/view_doc.php?type=doc&id=14504&cn=37>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].
2.Feeding disorder of infancy or early childhood. Đọc thêm tại:<http://www.minddisorders.com/Del-Fi/Feeding-disorder-of-infancy-or-early-childhood.html>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].
3.Feeding Disorders Program. Đọc thêm tại:<http://my.clevelandclinic.org/childrens-hospital/specialties-services/therapy-rehab/feeding-disorders>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].