Việc học sinh bị bạn bè bắt nạt không phải là chuyện hiếm, nhất là trong thời buổi hiện nay. Dù là bắt nạt về thể xác hay về tinh thần cũng đều làm tổn thương trẻ, đôi lúc có những hậu quả nặng nề không lường trước được.
Bắt nạt là gì?
Bắt nạt bao gồm những hành vi lặp đi lặp lại, làm tổn hại đến thể chất hoặc tinh thần của người khác, gồm những loại sau:
- Bắt nạt về thể xác: bao gồm các hành động gây tổn hại đến thể xác người khác, với mục đích làm gia tăng nỗi sợ hãi ở nạn nhân và có thể ép buộc nạn nhân làm điều gì đó.
- Bắt nạt qua lời nói: sử dụng ngôn ngữ để hạ thấp hình ảnh, danh dự của một người như trêu chọc, mỉa mai, tung tin đồn sai sự thật, với mục đích làm bẽ mặt nạn nhân trước mặt người khác.
- Bắt nạt về cảm xúc: gồm những hành động nhằm mục đích làm cho nạn nhân cảm thấy bị cô lập như tẩy chay ra khỏi nhóm, việc bắt nạt về cảm xúc có thể dẫn đến trầm cảm một cách nhanh chóng.
- Bắt nạt bằng công nghệ thông tin: gồm việc sử dụng tin nhắn văn bản điện thoại, tin nhắn mạng xã hội để làm nhục, gây rắc rối cho người khác. Điều này có thể gây sốc cho nạn nhân, vì họ không thể tìm được một nơi an toàn trong thế giới ảo.
Thông thường, các trẻ trai sẽ bắt nạt người khác bằng cách sử dụng các mối đe dọa về thể xác (như tham gia vào các vụ đánh nhau), còn các trẻ gái thì có nhiều khả năng tham gia vào các vụ ức hiếp bằng lời nói và cảm xúc nhiều hơn trẻ trai (chẳng hạn các trẻ gái tuổi vị thành niên than phiền rằng mình thường xuyên là mục tiêu của những tin đồn khó chịu – đặc biệt là những tin đồn liên quan đến tình dục). Ngoài ra, trẻ gái thường sử dụng tẩy chay như là một cách thức bắt nạt các bạn gái khác.
Hậu quả của nạn bắt nạt học đường
Khi một vụ bắt nạt học đường diễn ra thì cả nạn nhân và kẻ bắt nạt đều chịu hậu quả về sau, nhưng nạn nhân – người bị bắt nạt sẽ là người hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất qua những biểu hiện thường thấy như:
- Tổn hại về thể xác: những chấn thương rõ ràng như vết bầm, chảy máu,…
- Tổn hại về cảm xúc: xuất hiện những cảm xúc đau khổ, sợ hãi, bị tổn thương, giận dữ, bất lực, tuyệt vọng, cô lập, xấu hổ, thậm chí còn cảm thấy tội lỗi vì cho rằng mình chính là nguyên nhân của sự việc, và không ai có thể giúp được mình cũng như ngăn chặn được những điều tồi tệ tiếp theo có thể xảy ra. Trẻ bị bắt nạt có thể cảm thấy bế tắc, dẫn đến nguy cơ tự làm cơ thể mình bị thương, thậm chí là tự tử.
- Ảnh hưởng đến việc học: như điểm số giảm sút, rớt hạng, học không tập trung hoặc không dám đi học để tránh bị bắt nạt.
- Nguy cơ các vấn đề về sức khỏe tâm thần: như rối loạn lo âu, trầm cảm, giảm lòng tự trọng, khởi phát rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)…
- Hành động trả đũa: trong một số trường hợp, những thiếu niên bị bắt nạt sẽ có những tưởng tượng dữ dội về việc tấn công kẻ đã ức hiếp họ, trẻ sẽ trở nên bạo lực và quay sang bạn bè xung quanh để thực hiện hành vi trả thù (như các vụ giết người, xả súng…). Đây đều xuất phát từ những đau khổ và khó khăn không tìm được cách giải quyết thỏa đáng.
- 5 reasons teens become bullies. Đọc thêm tại: <http://www.crchealth.com/youth-programs/5-reasons-teens-become-bullies/>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Bullying in adolescence. Đọc thêm tại: <http://www.csus.edu/indiv/b/brocks/Courses/EDS%20245/Hot%20Sheets/Bullying%20in%20Adolescence.fall%2007.pdf>.[Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Bullying in Schools: Seven Solutions for Parents from Kidpower. Đọc thêm tại: <https://www.kidpower.org/library/article/bullying-in-schools/>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Bullying statistics. Đọc thêm tại: <http://www.bullyingstatistics.org/content/teenage-bullying.html>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Dealing with bullying. Đọc thêm tại: <http://www.helpguide.org/articles/abuse/dealing-with-bullying.htm>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Helping kids dealing with bullies. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/emotions/feelings/bullies.html>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
- Stop bullying. Đọc thêm tại: <http://www.stopbullying.gov/what-you-can-do/parents/index.html>.[Ngày 18 tháng 7 năm 2015].