Nếu mẹ bị nhiễm chàm trước khi mang thai thì chắc hẳn các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn dù một số ít mẹ may mắn nhận thấy triệu chứng bệnh chàm sẽ thuyên giảm. Nhưng tốt hơn hết, mẹ cần biết cách phòng tránh để giảm thiểu những ảnh hưởng của bệnh chàm khi mang thai.
Bị chàm khi mang thai khiến mẹ khó chịu?
“Tôi thường dễ nhiễm chàm, và giờ đây khi mang thai thì tình hình càng trở nên xấu hơn. Tôi phải làm gì?”
Trước tiên, mẹ cần hiểu bệnh chàm là một bệnh dị ứng mãn tính. Bản thân bệnh chàm không gây ảnh hưởng trên thai kỳ như sẩy thai hoặc dọa sinh non hoặc dị tật thai nhi. Tuy nhiên vì đây là bệnh có thể di truyền, mẹ bệnh và con có thể mắc bệnh như mẹ, ở một lứa tuổi nào đó sẽ thể hiện.
Khi mang thai, hormone khiến các triệu chứng chàm trở nên trầm trọng hơn. Nếu mẹ đã bị chàm trước khi mang thai thì chắc hẳn các triệu chứng ngứa và bong vảy sẽ khiến mẹ khó chịu và thậm chí mẹ sẽ muốn nhéo hay cắn chỉ vì không thể chịu nổi. Tuy nhiên, một số mẹ may mắn sẽ nhận thấy triệu chứng thuyên giảm hẳn kể từ khi mẹ có thai.
Cùng mẹ vượt qua nỗi lo bị chàm khi mang thai
Một số loại thuốc mẹ bầu có thể dùng nếu bị chàm:
- Nếu mẹ bị chàm khi mang thai tháng thứ 2 (hay các tháng khác trong thai kỳ), mẹ có thể sử dụng một lượng vừa phải những loại kem hydrocortisone liều nhẹ hoặc thuốc mỡ để chống lại chàm trong thời gian này. Nhưng hãy hỏi bác sĩ để biết nên sử dụng loại nào cho phù hợp.
- Các thuốc chứa antihistamine cũng có thể giúp mẹ bớt ngứa, nhưng mẹ vẫn phải tham khảo với bác sĩ trước khi dùng.
Thuốc khuyến cáo mẹ bầu không được dùng:
- Không sử dụng thuốc cyclosporine – một loại thuốc dùng đặc trị chàm khi những cách điều trị khác đều không hiệu quả – trong thai kỳ.
- Một số loại kháng sinh bôi và uống cũng có thể không an toàn khi mang thai, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Những loại thuốc mới hơn không chứa chất kích thích (nonsteroidal) như Protopic và Elidel cũng cần hạn chế vì chúng chưa được nghiên cứu thử nghiệm cho thai phụ.
Còn đây là mẹo trị chàm cho mẹ bầu:
- Dùng gạc lạnh (chứ không phải móng tay) để cọ chỗ ngứa, vì gãi sẽ làm tổn thương da, khiến vi khuẩn xâm nhập dễ dàng gây viêm nhiễm nặng hơn. Hãy cắt móng tay tròn và sát để phòng khi mẹ gãi một cách vô thức cũng không làm trầy da.
- Tránh tiếp xúc với những chất có thể khiến mẹ bị ngứa như bột giặt, các chất tẩy rửa gia dụng, xà phòng, bọt tắm, mỹ phẩm, nước hoa, len, da/lông vật nuôi, cây cối, nữ trang và các dịch rỉ từ thịt hoặc trái cây.
- Dưỡng ẩm thường xuyên (khi da còn ẩm khi vừa tắm xong) để giữ độ ẩm bên trong da, tránh bị khô nẻ.
- Đừng tắm, ngâm mình hoặc bơi quá lâu, nhất là trong nước nóng.
- Đừng để bị quá nóng hoặc đổ mồ hôi nhiều (2 nguyên nhân thường kích thích chàm nhất). Dĩ nhiên việc này nói dễ hơn làm, nhất là khi mẹ đang mang thai. Hãy giữ cơ thể được thoáng mát bằng việc mặc đồ thoải mái, bằng chất liệu cotton và tránh các chất liệu tổng hợp, len hay bất kỳ loại vải thô ráp nào khác.
- Mặc nhiều lớp mỏng nếu trời lạnh để có thể dễ dàng cởi bỏ bớt từng lớp nếu mẹ bắt đầu thấy nóng.
- Giữ tâm lý thoải mái, vì stress cũng thường dẫn đến nhiễm chàm. Khi mẹ bắt đầu thấy lo lắng, hãy thở đều để thư giãn.
Lưu ý rằng dù bệnh chàm có tính di truyền (tức bé cũng có khả năng bị nhiễm bẩm sinh), nhưng nghiên cứu cho thấy việc cho con bú sữa mẹ giúp ngăn chặn bệnh chàm phát triển ở con. Vậy là thêm một lý do nữa để mẹ cho con bú bằng sữa mẹ đấy!
- Murkoff, H, Mazel, S, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, New York (p.159 – 162).
- Atopic Eruption of Pregnancy (AEP). Tham khảo tại: [http://www.eadv.org/patient-corner/leaflets/eadv-leaflets/atopic-eruption-of-pregnancy-aep/]. [Ngày 12 tháng 02 năm 2015]