Việc chẩn đoán trẻ có vấn đề về chức năng điều hành sẽ được tiến hành qua nhiều bước và chương trình can thiệp sớm có thể tìm ra biện pháp giúp trẻ tận dụng những thế mạnh để hỗ trợ cho yếu điểm ngay từ khi còn nhỏ.
Chẩn đoán trẻ gặp khó khăn về chức năng điều hành
Nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề về chức năng điều hành, các nhà trị liệu tâm lý có thể tiến hành một số kiểm tra về hoạt động chức năng điều hành. Họ sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể để giúp trẻ nếu các kiểm tra này phát hiện trẻ gặp vấn đề.
Để hiểu được những khó khăn của trẻ, bạn cần phải có nỗ lực rất lớn, bắt đầu với việc theo dõi các triệu chứng và hành vi của trẻ. Hãy nói các thông tin mà bạn tìm hiểu được khi gặp bác sĩ điều trị để họ có thể hiểu hơn về vấn đề của trẻ.
Bác sĩ có thể sẽ hỏi xem bạn nhận thấy những khó khăn của trẻ trong bao lâu rồi. Thông thường, trẻ phải xuất hiện triệu chứng trong ít nhất 6 tháng trước khi được chuyên gia chăm sóc sức khỏe hướng dẫn thực hiện tiếp những bước chẩn đoán sau đó. Quá trình này như sau:
Bước 1: Kiểm tra sơ về tình trạng của trẻ
Bác sĩ sẽ hỏi về những gì mà bạn và trẻ đang nhìn thấy. Thường thì bác sĩ sẽ thực hiện loại trừ những nguyên nhân y khoa khác, bao gồm như các rối loạn co giật, khiếm thính và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Để chẩn đoán trẻ có vấn đề về chức năng điều hành, bước đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sơ về tình trạng của trẻ
Một số trong những tình trạng này có thể được thực hiện ngay tại phòng khám, tuy nhiên, bác sĩ điều trị sẽ giới thiệu bạn và trẻ sang một chuyên gia khác, như là nhà trị liệu thính học hoặc bác sĩ thần kinh, để được kiểm tra kĩ càng hơn.
Bước 2: Đến gặp chuyên gia điều trị
Khi bác sĩ điều trị muốn loại trừ những nguyên nhân y khoa khác thì có nhiều khả năng bạn sẽ được giới thiệu đến một nhân viên xã hội lâm sàng hoặc nhà tâm lý trị liệu trẻ em. Vị chuyên gia này sẽ thu thập thông tin từ bạn và từ trường học của con bạn, sau đó nói chuyện với bạn và những người tiếp xúc với trẻ, cuối cùng đi đến việc thảo luận về việc đánh giá tình trạng trẻ một cách sâu rộng hơn.
Quá trình này gồm có:
- Điền vào bảng hỏi hoặc kiểm tra sàng lọc. Bạn và người chăm sóc, hoặc giáo viên của trẻ sẽ được yêu cầu điền thông tin vào những bảng hỏi về các kỹ năng của trẻ. Một công cụ được sử dụng phổ biến là Bảng liệt kê đánh giá hành vi chức năng điều hành (BRIEF), có cả 2 phiên bản dành cho phụ huynh và dành cho giáo viên gồm 86 câu hỏi về các kỹ năng chức năng điều hành của trẻ. Có rất nhiều phiên bản khác nhau tùy thuộc độ tuổi khác nhau, từ lứa tuổi mầm non đến vị thành niên. Ngoài ra còn có một bản tự ghi nhận những đánh giá dành cho trẻ độ tuổi đi học. Những mẫu tự báo cáo này được so sánh với nhau để xác định những điểm khó khăn mà bạn, trẻ và giáo viên của trẻ đều nhận thấy được.
- Kiểm tra trí thông minh. Các chuyên gia trị liệu tâm lý sẽ hướng dẫn trẻ tham gia thực hiện một bài kiểm tra trí thông minh như Thang đo thông minh Wechsler dành cho trẻ em (WISC – IV). Còn trẻ dưới 6 tuổi sẽ sử dụng Thang đo thông minh dành cho lứa tuổi mầm non và tiểu học (WPPSI – IV). Những bài kiểm tra này cung cấp bức tranh toàn diện hơn về tiềm năng thật sự của trẻ. Chẳng hạn, chúng chỉ ra rằng trẻ có khả năng thấu hiểu được lời nói một cách tuyệt vời nhưng lại gặp khó khăn trong việc nhớ lại thông tin hay xử lý chúng một cách nhanh chóng.
- Quan sát và phỏng vấn trẻ. Hầu hết các chuyên gia trị liệu sẽ muốn tự mình quan sát, kiểm chứng cách mà trẻ tương tác với người khác và với thế giới xung quanh. Nếu bạn lo ngại rằng trẻ có thể cảm thấy không thoải mái khi ở phòng khám thì bạn có thể hỏi xem liệu chuyên gia điều trị có thể quan sát trẻ ở trường thay vì ở phòng khám không. Các quan sát ở trường học có thể tiết lộ những thông tin không được biểu thị trong một phòng khám yên tĩnh.
Bước 3: Tổng hợp tất cả thông tin lại với nhau
Sau khi thu thập tất cả thông tin, các chuyên gia điều trị sẽ xem xét tất cả các kết quả và cùng bạn kiểm soát chúng. Họ có thể không thực hiện một chẩn đoán chính thức nào dành cho con bạn, nhưng họ sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn về những vấn đề cụ thể mà trẻ đang gặp khó khăn, đồng thời đề xuất các chiến lược để điều trị tại nhà và những biện pháp mà nhà trường có thể giúp trẻ.
Điều trị trẻ có vấn đề về chức năng điều hành như thế nào?
Dù trẻ đã được chẩn đoán rối loạn chức năng điều hành hay chưa thì bạn cũng nên hỗ trợ trẻ bằng cách xác định những lĩnh vực mà trẻ có thể gặp khó khăn và đề ra những cách giúp đỡ như:
Liệt kê các bước thực hiện. Việc liệt kê ra những bước để thực hiện một công việc nào đó có thể làm con bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi bắt tay vào công việc, đồng thời làm giảm lo lắng về việc lập kế hoạch của trẻ.
Danh sánh kiểm tra này cũng giúp cung cấp một công cụ nhắc nhở những việc con bạn vẫn đang bỏ dở nếu con bị xao lãng. Bạn có thể lên danh sách cho tất cả mọi việc, từ những nhiệm vụ mà con phải chuẩn bị trước khi đi học đến cách làm một cách bánh sandwich.
Đặt giới hạn về thời gian. Con bạn có thể phải suy nghĩ nhiều về quỹ thời gian cho một hoạt động nào đó và cho mỗi bước thực hiện nó.
Trong các danh sách kiểm tra của bạn, hãy xem xét lượng thời gian ước tính cho phép để thực hiện mỗi bước của một công việc. Cho con biết lượng thời gian mà con nên dùng để làm từng việc, từ việc hoàn thành bài tập toán cho đến việc đánh răng. Vì trẻ có vấn đề về chức năng điều hành khó ước lượng về thời gian, nên điều này rất cần thiết cho trẻ đấy.
Sử dụng các kế hoạch và lịch kèm theo. Bạn có thể để một tấm lịch to dành cho cả gia đình và cho trẻ sử dụng màu riêng để đánh dấu. Đối với trẻ lớn hơn, những ứng dụng và phần mềm quản lý thời gian có thể là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho trẻ.
Hãy giải thích lý do vì sao bạn làm điều gì đó. Những trẻ có suy nghĩ cứng nhắc hay khó quản lý được cảm xúc của mình thường không phải lúc nào cũng phản hồi tích cực hay hiểu được tại sao phải học hỏi nhiều cách khác nhau để làm cùng một việc.
Hãy giải thích cho con rằng việc học hỏi những kỹ năng mới quan trọng ra sao, và sau này nó sẽ giúp trẻ tiết kiệm thời gian, năng lượng như thế nào. Và nếu lời giải thích chỉ đơn giản là vì “Việc này cần thực hiện theo cách đó” thì cũng đừng e ngại phải nói ra với con.
Đồng thời cũng cho con có cơ hội để giải thích: Trẻ gặp vấn đề với các kỹ năng hoạt động chức năng điều hành thì không có nghĩa là cách trẻ thực hiện điều gì đó là hoàn toàn không có giá trị. Nếu phương pháp của con không phù hợp với bạn, hãy xem xét dành thời gian hỏi con vì sao lại như thế trước khi nói với con đáng lẽ nên làm theo cách khác. Đây thực sự có thể là một cách tiếp cận sáng tạo đem lại hiệu ứng tích cực cho con bạn. Trẻ càng nảy ra nhiều chiến lược giúp bản thân thành công thì sự cải thiện càng cao.
- Executive Functioning Issues in Children. Đọc thêm tại: <https://www.understood.org/en/learning-attention-issues/child-learning-disabilities/executive-functioning-issues/understanding-executive-functioning-issues>. [Ngày 1 tháng 11 năm 2015].
- Executive Function. Đọc thêm tại: <http://www.childmind.org/en/executive-function/home/>. [Ngày 1 tháng 11 năm 2015].