Khi có sự gắn bó không an toàn với cha mẹ hoặc người chăm sóc, trẻ sẽ có nhiều biểu hiện khác thường, như không giao tiếp bằng mắt, không cười, khóc hoài không nguôi… Nhận biết dấu hiệu và triệu chứng rối loạn gắn bó ở trẻ là rất cần thiết để sớm có sự điều chỉnh thích hợp trong việc chăm sóc trẻ.
Dấu hiệu cảnh báo sớm về gắn bó không an toàn ở trẻ
Các vấn đề về gắn bó có thể đi từ những vấn đề nhẹ có thể dễ dàng giải quyết được, đến dạng nặng nhất, đó là rối loạn gắn bó. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm về các vấn đề gắn bó ở trẻ mà cha mẹ cần biết:
- Né tránh tiếp xúc mắt.
- Không cười.
- Không đưa tay ra để người khác nắm lấy.
- Dù bạn có nỗ lực giữ cho trẻ bình tĩnh, dỗ dành trẻ và trò chuyện vùng trẻ, trẻ cũng sẽ từ chối bạn.
- Dường như không chú ý hay quan tâm khi bạn bỏ trẻ lại một mình.
- Khóc hoài không chịu nguôi.
- Không thì thầm hay tạo ra bất kì âm thanh nào cả.
- Mắt không nhìn theo bạn.
- Không quan tâm đến những trò chơi tương tác hoặc chơi với đồ chơi.
- Dành nhiều thời gian để tự mình đu đưa hoặc tự dỗ dành bản thân.
Điều quan trọng cần lưu ý là những dấu hiệu cảnh báo sớm về gắn bó không an toàn cũng giống với những triệu chứng sớm của những vấn đề khác như rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc tự kỷ. Nếu bạn phát hiện bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào như trên thì hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay để trẻ được chẩn đoán kịp thời.
Tìm hiểu triệu chứng rối loạn gắn bó ở trẻ em
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của rối loạn gắn bó ở trẻ em:
- Trẻ ghét việc đụng chạm hay những biểu hiện tình cảm. Trẻ thường ngần ngại, cười lớn hay thậm chí nói “á” mỗi khi bị đụng chạm. Thay vì biểu hiện những cảm xúc tích cực thì trẻ lại coi sự đụng chạm và bày tỏ tình cảm này như là một mối đe dọa.
- Các vấn đề về kiểm soát. Hầu hết trẻ mắc rối loạn phản ứng gắn bó sẽ có nhiều khả năng duy trì quyền kiểm soát và né tránh những cảm giác bất lực. Trẻ thường sẽ không vâng lời, ngang bướng và thích tranh cãi.
- Những vấn đề về giận dữ. Sự tức giận có thể được biểu thị trực tiếp trong những cơn giận dữ, hoặc thông qua hành vi gây hấn thụ động. Trẻ có thể che giấu hành vi gây hấn của mình trong những hành động được xã hội chấp nhận, như hành động đập tay mạnh đến nỗi có thể gây đau, hoặc ôm ai đó quá chặt.
- Khó khăn trong việc thể hiện sự quan tâm và tình cảm chân thành. Chẳng hạn như, trẻ có những hành động tình cảm không phù hợp với người lạ trong khi thể hiện ít hoặc không có biểu hiện tình cảm đối với bố mẹ mình.
- Lương tâm kém phát triển. Trẻ hành động như thể mình không có lương tâm và cũng không biểu thị cảm giác có lỗi, hối hận hay sự ăn năn sau khi thực hiện hành vi xấu.
Một đứa trẻ phát triển rối loạn phản ứng gắn bó càng sớm, như từ khi còn là trẻ sơ sinh, thì sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều và nặng nề hơn. Khi đứa trẻ mắc rối loạn này lớn lên, trẻ thường sẽ phát triển theo mô hình triệu chứng bị ức chế hoặc không bị ức chế, cụ thể:
- Những triệu chứng bị ức chế của rối loạn. Trẻ trở nên thu rút cực độ, không thể hiện cảm xúc, và kháng cự lại sự an ủi dỗ dành. Trẻ có thể nhận thức được điều gì đang xảy ra xung quanh mình – thậm chí là mang tâm trạng đề phòng – nhưng không có phản ứng hay đáp trả gì cả. Trẻ có thể đẩy những người khác ra khỏi mình, phớt lờ họ hay thậm chí có những hành động gây hấn khi người khác cố gắng đến gần.
- Những triệu chứng không bị ức chế của rối loạn. Trẻ không tỏ ra thích bố mẹ mình nhiều hơn những người khác, thậm chí là người lạ. Trẻ hầu như sẽ tìm kiếm sự an ủi và chú ý từ bất kỳ ai mà không có sự phân biệt. Trẻ trở nên cực kì phụ thuộc, hành động trẻ con hơn nhiều so với độ tuổi của mình và có thể xuất hiện nỗi lo lắng kinh niên.
- Attachment Issues and Reactive Attachment Disorder. Đọc thêm tại: <http://www.helpguide.org/articles/secure-attachment/attachment-issues-and-reactive-attachment-disorders.htm>. [Ngày 7 tháng 9 năm 2015].
- Reactive Attachment Disorder. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/reactive-attachment-disorder/basics/definition/con-20032126>. [Ngày 7 tháng 9 năm 2015].