Khi bị rối loạn cư xử, một dạng rối loạn hành vi, trẻ trở nên dễ cáu kỉnh hơn, có lòng tự trọng thấp và có xu hướng bùng nổ với những cơn nóng giận một cách thường xuyên.
4 nhóm triệu chứng của rối loạn cư xử
Các triệu chứng của rối loạn cư xử (một dạng rối loạn hành vi) khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi trẻ và mức độ rối loạn hiện tại của trẻ là nhẹ, trung bình hay nặng. Nhìn chung, các triệu chứng của rối loạn cư xử rơi vào 4 nhóm triệu chứng chính sau đây:
- Hành vi gây hấn: Đây là những hành vi đe dọa làm tổn hại hoặc gây nên những tổn thương cơ thể – bao gồm đánh nhau, bắt nạt bạn, đối xử độc ác với người hoặc con vật khác, sử dụng vũ khí và bắt ép người khác thực hiện các hành động liên quan tới tình dục.
- Hành vi hủy hoại: Loại hành vi này liên quan đến sự phá hoại có chủ đích về tài sản như phóng hỏa và phá hoại tài sản của người khác.
Hành vi hủy hoại là một trong các triệu chứng điển hình của trẻ mắc rối loạn cư xử – Một dạng rối loạn hành vi
- Hành vi gian dối: Những hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần bao gồm nói dối, ăn cắp vặt, đột nhập nhà hoặc xe của người khác để trộm cắp.
- Vi phạm các nguyên tắc: Hành vi này liên quan đến việc làm ngược lại với những nguyên tắc đã được xã hội công nhận, hoặc tham gia vào những hành vi không phù hợp với lứa tuổi của mình, bao gồm bỏ nhà, trốn học, thích chọc phá người khác, có những hoạt động tình dục khi ở độ tuổi còn rất nhỏ.
Ngoài ra, một số trẻ mắc dạng rối loạn hành vi này rất dễ trở nên cáu kỉnh, có lòng tự trọng thấp, và có xu hướng bùng nổ những cơn nóng giận một cách thường xuyên. Rất nhiều trẻ lạm dụng ma túy và rượu. Trẻ mắc rối loạn cư xử thường không thể đánh giá được rằng hành vi của mình có thể làm tổn thương người khác như thế nào, và có rất ít cảm giác tội lỗi hay hối hận khi làm tổn thương người khác.
Chẩn đoán rối loạn cư xử – Một dạng rối loạn hành vi ở trẻ
Cũng như ở người lớn, các bệnh lý tâm thần ở trẻ em được chẩn đoán dựa trên những dấu hiệu, triệu chứng đáp ứng với các tiêu chí cụ thể. Nếu trẻ có các triệu chứng của rối loạn cư xử, bác sĩ sẽ bắt đầu đánh giá bằng cách hỏi về các rối loạn y khoa và tâm thần của trẻ.
Bác sĩ sẽ khám cho trẻ và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra (chẳng hạn như, các xét nghiệm hình ảnh thần kinh, xét nghiệm máu) để xem có bệnh lý cơ thể nào gây nên những triệu chứng này hay không. Đồng thời, bác sĩ sẽ xác định những triệu chứng của các rối loạn khác thường xảy ra kèm theo dạng rối loạn hành vi này, như rối loạn tăng động giảm chú ý và trầm cảm.
Nếu không tìm thấy những nguyên nhân xuất phát từ bệnh cơ thể, bác sĩ sẽ giới thiệu trẻ sang một bác sĩ tâm thần chuyên về trẻ em và trẻ ở tuổi vị thành niên – người được đào tạo đặc biệt để chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần ở trẻ và thanh thiếu niên.
Các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý thường sử dụng bảng câu hỏi và các công cụ đánh giá được thiết kế riêng biệt nhằm đánh giá rối loạn tâm thần ở một đứa trẻ. Bác sĩ sẽ dựa vào những báo cáo về triệu chứng và những ghi nhận quan sát thái độ, hành vi của trẻ, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định. Thường thì các chuyên gia này sẽ dựa vào những báo cáo từ cha mẹ, giáo viên và những người có tiếp xúc với trẻ, bởi vì trẻ có thể sẽ che giấu thông tin, gặp khó khăn trong việc giải thích những vấn đề của riêng mình hoặc không hiểu được các triệu chứng của mình.
Xem thêm:
Nguyên nhân của rối loạn cư xử – Một dạng rối loạn hành vi ở trẻ
Cách điều trị rối loạn cư xử – Một dạng rối loạn hành vi ở trẻ
- Conduct Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.mentalhealthamerica.net/conditions/conduct-disorder>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2015].
- Conduct Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.childmind.org/en/health/disorder-guide/conduct-disorder>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2015].
- Mental Health: Conduct Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.webmd.com/mental-health/mental-health-conduct-disorder?page=2>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2015].