Việc trẻ hay sợ hãi một cách dữ dội có thể trở thành sự ám ảnh. Sự ám ảnh – nỗi sợ hãi dữ dội và không hợp lý này – có thể trở nên dai dẳng và gây suy nhược, gây ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý trẻ em và can thiệp vào các hoạt động thường ngày của trẻ.
Sẽ như thế nào khi trẻ hay sợ hãi một cách dữ dội?
Mặc dù việc trẻ hay sợ hãi có thể biến mất theo thời gian, nhưng đôi khi các nỗi sợ có thể trở nên quá dữ dội, kéo dài và tập trung khiến chúng phát triển thành sự ám ảnh. Sự ám ảnh – nỗi sợ hãi dữ dội và không hợp lý – có thể trở nên dai dẳng và gây suy nhược, gây ảnh hưởng đáng kể và can thiệp vào các hoạt động thường ngày của trẻ. Ví dụ, nỗi ám ảnh về chó của một đứa trẻ 6 tuổi có thể làm cho trẻ hoảng sợ đến nỗi không chịu ra đường vì nghĩ rằng sẽ có chó ngoài đó. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể quá khiếp sợ khi nghe tin tức của một kẻ giết người hàng loạt khiến trẻ khăng khăng đòi ngủ với cha mẹ vào ban đêm.
Triệu chứng của ám ảnh: Trẻ thường khóc, la hét hoặc đơn giản là chạy trốn khi phải đối mặt với những điều gây ám ảnh. Xanh xao, đổ mồ hôi và run rẩy cũng là những dấu hiệu của việc lo lắng dữ dội.
Việc trẻ hay sợ hãi một cách dữ dội có thể khiến trẻ trở nên nhút nhát và rụt rè
Một số trẻ trong độ tuổi này phát triển sự ám ảnh về những người mà trẻ gặp hàng ngày trong cuộc sống. Sự nhút nhát nghiêm trọng này có thể khiến trẻ không thể kết bạn được ở trường và trò chuyện được với hầu hết người lớn, đặc biệt là những người lạ. Trẻ thường tránh những tình huống giao tiếp xã hội như tiệc sinh nhật hay những buổi hướng đạo, và trẻ thường cảm thấy khó trò chuyện thoải mái với bất cứ ai, ngoại trừ gia đình của mình.
Lo âu chia ly cũng thường gặp ở nhóm tuổi này. Đôi khi, sự lo sợ này có thể tăng lên khi gia đình chuyển đến một nơi ở mới hoặc trẻ đang nhận sự chăm sóc khiến trẻ cảm thấy không thoải mái. Điều này có thể khiến trẻ hay sợ hãi và ám ảnh khi phải đi trại hè hoặc thậm chí đi học. Nỗi ám ảnh của trẻ có thể gây ra các triệu chứng thể chất, như đau đầu hoặc đau bụng, và cuối cùng khiến trẻ thu mình lại, trở nên trầm cảm.
Vào khoảng 6 hoặc 7 tuổi, khi tâm lý trẻ em thay đổi và trẻ đã nhận thức được cái chết, nỗi sợ hãi khác có thể phát sinh. Khi nhận thức rằng cái chết cuối cùng cũng sẽ xảy đến với tất cả mọi người, và rằng nó là tất yếu và không thể thay đổi, những lo lắng thông thường về cái chết của các thành viên trong gia đình, hoặc thậm chí cái chết của chính mình có thể tăng lên ở trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mối bận tâm về cái chết có thể không xảy ra.
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for Your School-Age Child: Ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 283 – 285.
- Children Fears & Phobias. Đọc thêm tại: <http://www.anxietycare.org.uk/docs/child.asp>. [Ngày 21 tháng 9 năm 2015].