Có lẽ với những bé không bị viêm tiểu phế quản thì những việc như ăn, ngủ, đi vệ sinh, thở,… là những chuyện thuộc về bản năng và còn dễ hơn cả trở bàn tay! Nhưng với các bé bị bệnh viêm tiểu phế quản, thì thở là cả một vấn đề đấy!
Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là bệnh xảy ra do nhiễm trùng các ống hô hấp nhỏ của phổi (hay còn gọi là tiểu phế quản). Bệnh thường gặp ở các bé dưới 2 tuổi, đặc biệt là các bé sơ sinh đấy. Một số mẹ có thể sẽ bị nhầm lẫn giữa viêm tiểu phế quản với viêm phế quản, tuy nhiên, khác với viêm tiểu phế quản, viêm phế quản là sự nhiễm trùng của đường hô hấp lớn hơn (hay còn gọi là phế quản).
Nguyên nhân gây nên viêm tiểu phế quản
Vi rút hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm tiểu phế quản, tuy nhiên một số loại vi rút khác như parainuenza, influenza, endenovirus cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Các bé có thể bị nhiễm vi rút khi tiếp xúc với các dịch tiết bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Bé cũng có thể bị nhiễm bệnh khi sử dụng chung khăn giấy hoặc đồ chơi với người nhiễm bệnh. Bởi thế, rửa tay thật sạch và sử dụng dung dịch rửa tay có chứa cồn sát khuẩn là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan bệnh.
Triệu chứng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em
Thông thường, khi bị nhiễm RSV, các bé lớn và người lớn chỉ bị viêm đường hô hấp trên (còn gọi là cảm lạnh) với các triệu chứng như sổ mũi, ho nhẹ, sốt mà thôi. Tuy nhiên một số ít các bé sơ sinh dưới 2 tuổi khi nhiễm RSV có thể phát triển thành viêm tiểu phế quản. Sau từ một đến hai ngày triệu chứng ho sẽ trở nên rõ rệt hơn và bé sẽ bắt đầu cảm thấy khó thở và thở nhanh hơn bình thường hoặc thở khò khè. Có một số bé còn bị ngưng thở lúc ngủ tới 20 giây.
Hầu hết các bé bị ngưng thở trong lúc ngủ như vậy là bé bị sinh non. Vẫn chưa chắc chắn để có thể khẳng định rằng viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh sẽ dẫn tới việc hình thành hen suyễn sau này. Nếu bé có bất kỳ những dấu hiệu sau hoặc nếu cơn sốt của bé kéo dài hơn ba ngày (hoặc nếu các bé sơ sinh dưới ba tháng tuổi có dấu hiệu liệt kê ở dưới đây), mẹ nên đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức:
- Bé thở khò khè.
- Bé không thể uống được nước vì việc khó thở làm bé khó bú và nuốt.
- Quanh môi và đầu ngón tay của bé có màu xanh nhạt. Điều này cho th́ấy đường thở của bé bị tắc nghẽn, gây thiếu ô xy trong phổi dẫn đến thiếu oxy trong máu.
- Bé có dấu hiệu của mất nước như: Miệng khô, uống ít nước hơn bình thường, không chảy nước mắt khi khóc, đi tiểu ít hơn bình thường.
Nếu bé đang mắc các triệu chứng dưới đây, mẹ nên báo cho bác sĩ:
- Bé có những dấu hiệu của tiểu viêm phế quản.
- Bé khó thở.
- Xơ nang. Bệnh tim bẩm sinh.
- Loạn sản phế quản phổi (Bronchopulmonary dysplasia) ở một số bé sinh non hoặc bé sơ sinh có sử dụng máy thở.
- Miễn dịch kém.
- Cấy ghép nội tạng.
- Bệnh ung thư và đang hoá trị.
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Để xác định xem bé có bị viêm tiểu phế quản hay không thì ngoài xem xét những triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể kết hợp kiểm tra thể chất và lắng nghe phổi của bé qua ống nghe, nếu phổi có dấu hiệu như thở khò khè và kêu tanh tách thì đó có thể là dấu hiệu của viêm tiểu phế quản.
- Xét nghiệm khí máu
- Chụp X- quang ngực
- Nuôi cấy mẫu dịch ở mũi để xác định vi rút gây bệnh
Không có thuốc điều trị viêm tiểu phế quản tại nhà. Tất cả những gì mẹ cần làm là giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hay nhỏ nước muối sinh lý để làm giảm nghẹt mũi cho bé. Mẹ xem thêm bài:
Cách trị sổ mũi cho bé bằng nước muối sinh lý
Cách pha nước muối sinh lý trị sổ mũi cho bé
Để tránh mất nước, mẹ cần đảm bảo cho bé uống đủ nước, những lúc này có thể bé sẽ thích nước lọc hơn là sữa mẹ hay sữa công thức. Vì bị khó thở nên bé có thể sẽ ăn ít và chậm hơn bình thường, bé cũng có thể khó ăn các thức ăn đặc hoặc cứng. Khá nhiều bé đã vào độ tuổi ăn dặm khi bị viêm tiểu phế quản không thích ăn đồ ăn lổn nhổn nên tốt nhất bố mẹ nên cho con ăn cháo xay nhuyễn thay vì ăn đồ ăn dặm chưa xay.
Bố mẹ cũng không nên cho bé uống thuốc cắt cơn ho khi bé bị ho vì ho là cách để cơ thể tự làm sạch phổi. Bé từ 6 tháng trở nên nếu bị sốt hơn 38oC bố mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt Acetaminophen (Telenol).
Nếu bé chỉ bị khó thở nhẹ, bác sĩ có thể cho bé sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi xem xét có nên cho bé điều trị tại bệnh viện hay không. Tuy nhiên, thuốc này chỉ hiệu quả ở một số bé.
Trong các trường hợp các bé sơ sinh cần nhập viện, thì viêm tiểu phế quản là lý do thường thấy nhất. Những bé bị viêm tiểu phế quản cần nhập viện có thể là do bé bị khó thở, không thể ăn uống bình thường, hoặc bé cần được điều trị bằng oxy và thuốc giãn phế quản. Rất hiếm khi bé sơ sinh phải dùng đến máy thở (máy hô hấp) để giúp phổi và cơ thể có đủ oxy. Tuy nhiên cách điều trị này chỉ là tạm thời cho tới khi bé đủ sức để chống lại vi rút.
Phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em
- Cách tốt nhất để các mẹ bảo vệ bé tránh khỏi bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em là để bé tránh xa nguồn vi-rút đối với bé sơ sinh, mẹ không nên cho bé tiếp xúc với những người đang trong giai đoạn đầu (dễ lây) của nhiễm trùng hô hấp
- Nếu trong lớp học của bé có bạn bị nhiễm bệnh, cần phải đảm bảo các bảo mẫu chăm sóc cho các bé phải thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
- Ở một số bé có nguy cơ rất cao phải nhập viện khi bị nhiễm vi rút RSV, bác sĩ có thể chỉ định cho bé sử dụng một số loại thuốc, giúp ngăn chặn nguy cơ phát triển thành những bệnh nghiêm trọng. Trong bất kỳ trường hợp bệnh của bé nặng nhẹ ra sao, bố mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con dùng khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.
- Bronchiolitics. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
- Bronchiolitics. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/infections/lung/bronchiolitis.html#> [Ngày 13 tháng 10 năm 2014]
- Bronchiolitis. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000975.htm> [Ngày 12 tháng 01 năm 2015]