Ngộ độc khí CO do hít phải khí đốt, khi có quá nhiều carbon monoxide trong không khí. Nếu nghi ngờ đã tiếp xúc với carbon monoxide, hãy di chuyển ngay vào nơi không khí trong lành và tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp. Nếu có thể, mở cửa sổ và cửa ra vào trên đường ra khỏi nhà.
Ngộ độc khí CO là gì?
Carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi, không vị, bắt cháy và có độc tính cao. Khí CO được thải ra trong quá trình đốt cháy các nhiên liệu như xăng dầu, than đá hoặc gỗ được đốt cháy không hoàn toàn.
Xăng dầu, than đá và gỗ là nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều trong các thiết bị gia dụng như nồi hơi, lò than, máy tắm nước nóng, máy phát điện, đốt gỗ, động cơ ô tô, cháy, máy sấy quần áo, các thiết bị khí và máy sưởi trong cabin… Hít phải khói thuốc lá trong một vụ hỏa hoạn cũng có thể gây độc khí CO.
Sau khi hít CO vào cơ thể, CO sẽ xâm nhập vào máu và liên kết với Hemoglobin (Hb) trong tế bào hồng cầu để tạo thành carboxylhaemoglobin (HbCO) làm cho máu không còn khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào.
Ở Mỹ hàng năm khoảng hơn 20.000 người được cấp cứu do tiếp xúc với khí CO, trong đó phổ biến là các bé dưới 4 tuổi. Trong số các ca tử vong liên quan đến ngộ độc thì ngộ độc CO là nguyên nhân phổ biến nhất và thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Triệu chứng khi bị ngộ độc khí CO
Người bị ngộ độc khí CO có thể sẽ có những triệu chứng khác nhau khi bị ngộ độc khí CO, biểu hiện như sau:
- Buồn nôn.
- Khó thở.
- Đau đầu.
Đau đầu là một trong những dấu hiệu khi bị ngộ độc khí CO
- Ngất xỉu.
- Chóng mặt.
- Nhịp tim yếu hoặc không đều.
- Đau ngực.
- Mệt mỏi, yếu ớt và vụng về.
- Mất thính lực.
- Nhìn kém.
- Mất phương hướng hoặc lú lẫn.
- Động kinh.
- Mất ý thức hoặc hôn mê.
- Tim ngừng đập.
- Suy hô hấp.
- Tử vong.
Tùy thuộc vào thời gian và liều lượng mà ngộ độc khí CO có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến não hoặc tim và thậm chí có thể gây tử vong.
Chẩn đoán và điều trị khi bị ngộ độc khí CO
Ngộ độ khí CO có thể có triệu chứng tương tự như những bệnh khác như cúm và ngộ độc thực phẩm. Vì vậy nhằm chẩn đoán chính xác bệnh nhân có thể sẽ được làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ Carboxyhaemoglobin có trong máu. Nếu nồng độ này vượt qúa 30% có nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm độc khí CO nghiêm trọng.
Nếu trẻ hoặc các thành viên khác trong gia đình có bất kì triệu chứng nào nhiễm độc khí CO, hãy bình tĩnh và làm theo những bước dưới đây một cách nhanh nhất có thể:
- Lập tức đưa người đó ra khỏi khu vực bị nhiễm khí CO và mang đến nơi có không khí trong lành. Nếu có thể hãy tắt nguồn thải ra khí CO một cách an toàn và không gây nguy hiểm cho bản thân và người khác nhanh nhất, đồng thời nhờ người gọi 115.
- Hãy thực hiện hồi sức tim phổi nếu người đó ngừng thở.
Trường hợp nhiễm độc nhẹ thì có thể sẽ không cần phải nhập viện nhưng tốt nhất bạn hãy đưa người bị ngộ độc đến gặp bác sĩ để có những hướng dẫn cụ thể và đảm bảo an toàn cho họ sau này.
Trường hợp bị nhiễm một lượng lớn khí CO, người ngộ độc sẽ được chữa trị bằng liệu pháp thở oxy. Người bệnh sẽ được cung cấp 100% khí oxy thông qua mặt nạ oxy (không khí bình thường chứa khoảng 21% oxy) cho đến khi mức Carboxyhaemoglobin giảm xuống dưới 10%.
Cách phòng tránh ngộ độc khí CO
Những phương pháp sau có thể giảm nguy cơ ngộ độc khí CO:
- Đặt thiết bị dò khí CO trong nhà đặc biệt là gần phòng ngủ.
- Không để xe chạy trong garage ngay cả khi cửa garage đang mở.
- Phòng riêng của các thành viên phải luôn sạch sẽ, thoáng mát, nếu không có cửa sổ thì nên có lỗ thông khí để đảm bảo cho khí lưu thông.
- Không nên cho trẻ chơi xung quanh khu vực mà bạn đang đốt than. Không nên nướng thịt trong nhà. Đặc biệt là cần đeo mặt nạ an toàn khi sử dụng hóa chất có chứa Methylene chloride và tuyệt đối không cho trẻ chơi gần đó.
- Không sử dụng lò nướng, hoặc bếp ga để sưởi ấm trong nhà.
- Không chạy máy phát điện trong một không gian kín như tầng hầm hoặc nhà để xe.
- Kiểm tra các thiết bị ga, lò sưởi theo định kì nhằm tránh bị rò rỉ.
- Ngộ độc Carbon monoxide. Đọc thêm tại: <http://www.dieutri.vn/ngodoc/25-4-2011/S331/Ngo-doc-Carbon-monoxide.htm>. [Ngày 20 tháng 12 năm 2014]
- Carbon monoxide poisoning. Đọc thêm tại:<http://www.nhs.uk/Conditions/Carbon-monoxide-poisoning/Pages/Prevention.aspx>. [Ngày 20 tháng 12 năm 2014]
- Carbon Monoxide Poisoning in Children. Đọc thêm tại: <http://www.urmc.rochester.edu/Encyclopedia/Content.aspx?ContentTypeID=90&ContentID=P02835>. [Ngày 20 tháng 12 năm 2014]
- Carbon monoxide. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.