Mẹ cần biết các dấu hiệu và cách chữa nứt cổ gà khi cho con bú để sớm có cách khắc phục và giảm bớt tình trạng đau đớn. Đồng thời nếu không chú ý chữa trị kịp thời vết nứt sẽ lan rộng đấy các mẹ. Nếu chẳng may mắc phải tình trạng này, mẹ cần chăm sóc núm vú và có tư thế cho con bú đúng cách.
>> Các phòng khám sản phụ khoa uy tín trị nứt cổ gà ở TP. HCM cho mẹ bầu
Nứt cổ gà là gì?
Nứt cổ gà là hiện tượng rất thường gặp ở vú của những bà mẹ đang cho con bú. Mẹ có thể sẽ cảm thấy đầu ti hơi nhức, đặc biệt là trong tuần đầu tiên khi bé chào đời. Nhưng nếu cho bé bú mà đầu ti mẹ bị đau âm ỉ kéo dài, khó chịu hoặc đầu ti bị nứt thì có thể mẹ đã bị nứt cổ gà rồi đấy!
Nguyên nhân gây nứt cổ gà
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị nứt cổ gà khi cho con bú:
- Mẹ cho bé ngậm và bú ti mẹ sai cách. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Mẹ sử dụng máy vắt sữa không đúng cách, ví dụ như vô tình tăng lực hút quá mạnh.
- Thời gian cho bé bú kéo dài quá lâu. Thông thường chỉ 5 phút đầu là bé đã no rồi, còn khoảng thời gian còn lại nhiều bé ngậm ti mẹ để giải trí mà thôi. Mẹ chỉ nên cho bé bú ti tối đa 20 phút.
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị nứt cổ gà khi cho con bú.
- Thời kỳ đầu bé bú mẹ, da ở đầu ti còn non nớt không chịu được sự ngâm nước bọt và quá trình bú kéo dài của trẻ hay một số trẻ có thói quen ngậm rồi cắn vú mẹ khiến đầu ti bị nứt.
- Do núm vú không bình thường như bị dẹt hay tụt đầu tí (đầu ti) gây khó khăn khi trẻ bú.
- Do cho bé bú khi bé bị sốt cao, bị sởi hay bị tưa miệng, dẫn tới tình trạng nhiễm trùng núm vú mẹ do virus.
- Do mẹ bị chàm bội nhiễm.
Cách chữa nứt cổ gà trước khi cho con bú
Mẹ cần biết cách chữa nứt cổ gà càng sớm càng tốt để giảm bớt tình trạng đau nhức mỗi khi cho bé bú với những lưu ý sau:
- Trước khi cho bé bú mẹ đắp khăn nóng lên vú và núm vú khoảng 3-5 phút, đồng thời xoa bóp vú để kích thích quá trình tiết sữa.
- Hoặc mẹ đặt gạc mát lên vùng da bị tổn thương trước khi cho bé bú. Nhiệt độ mát có thể giúp mẹ giảm cơn đau.
Cách chữa nứt cổ gà trong khi cho bé bú
- Kiểm tra vị trí bé ngậm ti. Vị trí ngậm tốt nhất là miệng bé ngậm cả quầng vú chứ không phải mỗi mình núm vú. Mẹ lưu ý núm vú nên ở sâu trong miệng trẻ để cho lợi bé tránh xa núm vú.
Cho bé bú đúng cách là cách chữa nứt cổ gà hữu hiệu nhất
- Cho bé bú ở bên ngực ít bị đau hơn trước rồi mới chuyển sang ngực còn lại vì bé thường bú nhẹ nhàng hơn ở ngực tiếp theo do lúc này đã bớt đói.
- Khi bị đau đầu vú, nhiều mẹ ngưng cho bé bú trong một thời gian dài để lành vết đau, song cách làm này có thể dẫn đến mất sữa. Nếu bầu vú bị đau nặng, mẹ nên ngưng cho bú 1-2 ngày và để cho đầu vú được khô ráo, tuy nhiên mẹ phải tự vắt sữa.
- Mẹ có thể thử những tư thế cho bú khác nhau nhưng lưu ý chọn tư thế nào mà bé ngậm vú mẹ dễ dàng, đúng cách và mẹ cũng cảm thấy thoải mái.
- Thời gian cho bú nên cách từ 2-2.5 giờ một lần, mỗi lần bú không kéo dài quá 20 phút.
- Khi ngừng cho con bú, mẹ có thể nén nhẹ cằm trẻ hoặc dùng một ngón tay đặt vào góc miệng trẻ để rút đầu ti ra dễ dàng.
Lưu ý sau khi cho bé bú
Lau núm vú thật nhẹ nhàng. Khi núm vú bị nứt hoặc chảy máu, rửa vú sau mỗi lần cho bé bú bằng nước sạch nhằm giảm nguy cơ vú bị nhiễm trùng. Hạn chế dùng xà phòng.
Nếu bắt buộc, hãy dùng loại xà phòng không chất diệt khuẩn và không có mùi, lau nhẹ nhàng vùng bị đau và làm sạch bằng nước một lần/ngày. Đặc biệt, tránh dùng cồn, nước hoa và các chất tấy rửa thoa lên núm vú.
Tạo thoải mái cho núm vú. Hãy luôn giữ đầu vú được khô ráo sau mỗi cữ bú và nên để cho đầu vú thoáng khí, không nên mặc áo lót ngực chật hoặc quá dày.
Dùng loại thuốc mỡ kháng khuẩn có chất lanolin bôi lên núm vú sau mỗi lần cho bé bú. Việc làm này giảm cơn đau và cho phép vết thương lành nhanh hơn mà không hình thành vảy. Không cần rửa đi trước khi cho bé bú. Nếu vết thương bị hở mẹ vẫn có thể sử dụng thuốc mỡ kháng khuẩn.
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng Eumovate. Trước tiên mẹ rửa quầng vú và núm ti bằng Lactacyd, sau đó rửa lại bằng nước sạch, lau khô. Rồi dùng Eumovate bôi xung quanh hết quầng vú và núm ti. Khi cho trẻ bú mẹ dùng nước ấm rửa lại quầng vú và núm ti rồi mới cho ti, ngày làm 2 lần.
Sử dụng miếng dán lạnh. Đắp miếng dán lạnh lên núm vú sẽ xoa dịu và làm lành vết thương nhanh chóng. Tránh chạm vào núm vú hoặc quầng vú trước khi dùng miếng dán lạnh vì vi khuẩn từ các ngón tay có thể nằm lại trong miếng dán lạnh. Thường xuyên thay miếng dán ngực.
Uống thuốc giảm đau. Dùng ibuprofen hoặc acetaminophen khoảng 30 phút trước khi cho bú có thể giúp giảm tình trạng núm vú bị đau và sưng.
Hút sữa thay vì cho bé bú trực tiếp. Nếu cho bú làm mẹ quá đau đớn, mẹ có thể cần ngưng cho bé bú và hút sữa hoặc để cho núm vú được lành. Mẹ nên tìm hiểu thêm làm thế nào hút sữa đúng cách để sữa chảy và tránh làm núm vú đau hơn.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu bị nứt cổ gà gây đau đớn và chảy máu sau 24 giờ, hoặc mẹ thấy sốt, viêm, rỉ nước, có mủ, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khác thì phải hỏi bác sĩ ngay. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua các vết thương hở và dẫn đến nhiễm trùng vú như gây ra viêm vú.
Nếu núm vú bị nứt nặng gây chảy máu và mẹ vốn bị viêm gan B hoặc C thì bác sĩ sẽ khuyên mẹ không nên cho trẻ bú. Miệng trẻ có thể bị lở và vú mẹ bị nứt dẫn tới có thể lây nhiêm viêm gan B hoặc C từ mẹ sang bé theo đường máu. Mẹ nên vắt sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa cho bé bú.
Đến khi các vết nứt trên vú lành và vú không còn bị chảy máu nữa thì mẹ có thể cho bé bú bình thường.
Bài thuốc dân gian giúp mẹ làm lành vết nứt cổ gà nhanh chóng
Mẹ có thể tìm hiểu thêm một số bài thuốc dân gian sau với các loại lá dễ tìm giúp vết nứt ở vú nhanh chóng hồi phuc
- Giã nhuyễn lá mồng tơi cùng vài hạt muối, đắp lên chỗ nứt, ngày làm 3 lần.
- Lá trầu không rửa sạch, giã nhỏ đun sôi và cô đặc rồi bôi vào ti. Khi quầng vú và núm ti khô thì các loại nấm mốc sẽ bị diệt dẫn tới tình trạng khô da và tróc vẩy không còn xảy ra nữa.
Cách chữa nứt cổ gà tùy theo điều kiện khí hậu & môi trường sống
Ở những vùng khí hậu ẩm: Cách chữa nứt cổ gà tốt nhất là ánh nắng mặt trời, nhiệt, và giữ ngực khô ráo. Không mặc loại áo ngực được làm từ nhựa hoặc miệng đệm ngực có đường viền bằng nhựa giữ ẩm, thay vào đó mẹ nên để ngực trần thoáng mát càng nhiều càng tốt.
Sau mỗi lần cho trẻ bú, mẹ vắt một ít sữa và để sữa tự khô trên núm vú. Sữa này khi khô sẽ để lại một lớp màng bảo vệ giúp làm lành núm vú bị nứt.
Ở vùng khí hậu khô: Mẹ có thể dùng loại mỹ phẩm có chứa lanolin tinh khiết không gây dị ứng thoa lên chỗ nứt.
Cách phòng tránh nứt cổ gà khi cho con bú
Nứt cổ gà là hiện tượng rất thường gặp ở những bà mẹ khi cho con bú, dưới đây là một số cách phòng ngừa, các mẹ tham khảo nhé!
- Vệ sinh núm vú sạch sẽ.
- Cho trẻ bú đúng cách, nhất là giúp trẻ ngậm ti đúng cách. Đôi khi chỉ cần một thay đổi nhỏ trong tư thế của bé đã tạo nên sự khác biệt rất lớn. Mẹ tránh không để trẻ cắn núm vú. Mẹ xem thêm bài: Tư thế cho con bú đúng cách.
- Nếu mẹ bị tụt đầu tí thì hãy dùng các thủ thuật để khắc phục tình trạng này. Xem thêm bài: Đầu tí bị thụt nên làm gì?
- Thường xuyên thay áo ngực, không dùng loại có gọng sắt để tránh tổn thương da ở núm vú.
- Tập thói quen bú đúng giờ cho trẻ. Thời gian mỗi lần cho con bú không kéo dài quá 20 phút.
- Vệ sinh miệng cho bé sạch sẽ và phải hết sức lưu ý khi cho bé bú trong tình trạng bị sốt nhằm tránh virus lây lan sang núm vú mẹ.
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.Trang 102
- Cracked or bleeding nipples. Tham khảo tại: < http://www.babycenter.com/0_cracked-or-bleeding-nipples_8493.bc >. [24 tháng 11 năm 2014]
- Nứt đầu ty rất ngứa, làm thế nào để chữa? Tham khảo tại: <http://www.mummybear.com.vn/?md=new&newtype=consultant&id=606>. [24 tháng 11 năm 2014]
- Khi đầu vú bị đau, nứt. Tham khảo tại: <http://vietbao.vn/Suc-khoe/Khi-dau-vu-bi-dau-nut/45177600/248/>. [24 tháng 11 năm 2014]
- Nứt núm vú là gì, cách phòng trị như thế nào? Tham khảo tại: <http://elib.dostquangtri.gov.vn/thuvien/Include/TVDT.asp?option=4&CSDL=6&ID=25329&IDlinhvuc=2097. >[24 tháng 11 năm 2014]
- Hepatitis B and C Infections. Tham khảo tại: <http://www.cdc.gov/breastfeeding/disease/hepatitis.htm>>[24 tháng 11 năm 2014]